Westpac IQ – Điểm tin sáng: Căng thẳng thương mại leo thang, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, lợi suất tăng, USD phục hồi, vàng lập kỷ lục mới

Westpac IQ – Điểm tin sáng: Căng thẳng thương mại leo thang, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, lợi suất tăng, USD phục hồi, vàng lập kỷ lục mới

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:21 10/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc những rủi ro liên quan đến cuộc chiến thương mại leo thang.
  • Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan đối ứng lên "toàn bộ các đối tác thương mại", thông tin cụ thể sẽ được công bố trong tuần này. Tác động của những tuyên bố gần đây rõ ràng đang ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, và đáng lo ngại hơn đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là kỳ vọng lạm phát ngày càng gia tăng.
  • Kỳ vọng lạm phát cao hơn, cùng với dữ liệu thị trường lao động tương đối khả quan, đã khiến lợi suất trái phiếu nhìn chung tăng lên. Đồng USD cũng phục hồi nhẹ, được hỗ trợ bởi lợi suất tăng và dòng vốn trú ẩn do bất ổn gia tăng.

Chứng khoán

Sắc đỏ bao trùm lên các thị trường chứng khoán trên toàn cầu khi nhà đầu tư cân nhắc những hậu quả tiềm tàng từ cuộc chiến thương mại leo thang. Sau khởi đầu tích cực trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh khi có thông tin về kế hoạch áp đặt thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump lên mọi đối tác thương mại. Tin tức này, cùng với dữ liệu kinh tế cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng vọt, cũng khiến cho thị trường rung lắc mạnh hơn, thể hiện qua việc chỉ số đo lường biến động VIX tăng lên gần mức 17. Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều đóng cửa thấp hơn 1.0% so với phiên trước đó và kết tuần với mức giảm lần lượt là 0.2% và 0.4%. Nasdaq cũng đóng cửa thấp hơn 1.4% so với phiên trước đó và kết tuần giảm 0.5%.

Tương tự với thị trường Châu Âu, nơi các chỉ số chứng khoán đang dao động quanh mức cao kỷ lục trước khi tin tức về thuế quan đối ứng xuất hiện, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ số Euro Stoxx 50, FTSE 100 và DAX đóng cửa giảm lần lượt 0.6%, 0.3% và 0.5%.

Thị trường chứng khoán Châu Á nhìn chung cũng giảm điểm, ngoại trừ chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1.2% nhờ lực đẩy từ cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Ngược lại, chỉ số ASX 200 của Úc giảm 0.1%, kết thúc tuần sụt 0.2% so với tuần trước với 5/11 lĩnh vực đóng cửa trong sắc đỏ, dẫn đầu là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Lợi suất

Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) nhìn chung tăng. Theo đó, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 8 bps lên 4.29%, trong khi kỳ hạn 10 năm cũng tăng 6 bps (có thời điểm tăng đến 8 bps) lên 4.49%. Hiện tại, thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng khoảng 35 bps trong năm 2025 – thấp hơn nhiều so với mức 44 bps ghi nhận hồi thứ Năm tuần trước.

Ở một diễn biến khác, lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 2 năm và 10 năm gần như đi ngang khi chỉ giảm nhẹ khoảng 1 bps, xuống lần lượt 2.0% và 2.4%. Tại Anh, lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng diễn biến tương tự, xuống còn 4.2% và 4.5%.

Trong khi đó, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm và 10 năm tăng lần lượt 4 và 3 bps, lên 3.81% và 4.42%. Tại thời điểm viết bài, thị trường dự đoán Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ chính thức khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng 04/2025, cùng với xác suất khoảng 92% cho đợt cắt giảm lãi suất sớm hơn vào tháng 2. Tổng mức cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm 2025 là khoảng 87 bps.

Ngoại hối

Chỉ số DXY phục hồi 0.3% nhờ lợi suất tăng và dòng vốn trú ẩn tìm đến đồng USD do khẩu vị rủi ro bị ảnh hưởng. DXY chạm mức cao nhất là 108.32 trước khi quay đầu giảm và đóng cửa tại 108.04. Nhìn chung, đồng bạc xanh dường như đã tìm thấy một nền hỗ trợ mới ở mức khoảng 107.00. Chỉ số CPI của Mỹ và những phát biểu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối tuần này có thể sẽ giúp chỉ số trở lại mức 109.00.

AUD/USD giảm 0.3%, chủ yếu do đồng bạc xanh phục hồi. Sang tuần mới, do có ít dữ liệu kinh tế quan trọng tại Úc được công bố, nên diễn biến của cặp tỷ giá này khả năng sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động đồng USD, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều sự kiện rủi ro đáng kể tại Mỹ, bao gồm cả số liệu CPI. Rủi ro từ thuế quan vẫn tiếp diễn, và những biến động mạnh về tâm lý thị trường cũng có thể khiến đồng AUD chịu áp lực bán.

EUR/USD lại có phần ảm đạm hơn với mức giảm 0.7%. Song, vẫn có khả năng đồng EUR sẽ suy yếu hơn nữa, đặc biệt là sau tuyên bố về thuế quan gần đây của Tổng thống Trump, dường như nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp ô tô. Bảng Anh tiếp tục suy yếu so với đồng bạc xanh, kéo theo tỷ giá GBP/USD giảm 0.7%.

Hàng hóa

Giá dầu thô phục hồi nhẹ vào thứ Sáu, tăng 0.7% lên gần 71 USD/thùng (WTI), nhưng vẫn kết tuần trong sắc đỏ do lo ngại về nhu cầu toàn cầu giảm sút trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. Song, tín hiệu quá bán do áp lực bán tháo trước đó đã hạn chế đà giảm.

Giá kim loại cơ bản nhảy vọt, điển hình là đồng tăng 1.3% lên 9,300 USD/tấn. Diễn biến này được thúc đẩy bởi lo ngại rằng Tổng thống Trump sẽ áp đặt thuế quan lên đồng, khiến các công ty đẩy mạnh việc mua vào trước khi chính sách được đưa ra. Giá đồng đã tăng gần 4.0% trong tuần trước, bất chấp sản lượng toàn cầu cao kỷ lục, chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến nhu cầu và mức tồn kho tăng mạnh.

Giá quặng sắt tiếp tục xu hướng tăng ổn định trên ngưỡng 105 USD/tấn, đạt mức cao nhất trong bốn tháng là hơn 107 USD/tấn. Điều này dường như xuất phát từ việc nhu cầu cải thiện khi các công ty thép tìm cách bổ sung kho dự trữ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý, giá vàng tiếp tục vượt đỉnh và chạm mức cao kỷ lục mới là 2,886 USD/ounce vào thứ Sáu, được hỗ trợ bởi những bất ổn xoay quanh cuộc chiến thương mại và nhu cầu mua vào kỷ lục từ các ngân hàng trung ương. Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) cho biết các ngân hàng trung ương đã mua 1,045 tấn vàng vào năm ngoái, với Ba Lan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia mua vào nhiều nhất.

Nhịp đập vĩ mô

Nhật Bản

Chi tiêu hộ gia đình đã điều chỉnh theo lạm phát tăng 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 12, sau khi giảm 0.4% trong tháng 11. Con số này cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 0.2% của thị trường và là mức tăng trưởng đầu tiên trong năm tháng. So với tháng trước, chi tiêu tháng 12 tăng 2.3% nhờ mức lương tăng và tiền thưởng mùa đông. Mặc dù mức tăng hàng tháng tích cực hơn dự kiến, nhưng chủ yếu là do sự góp mặt của tiền thưởng.

Trung Quốc

Lạm phát tăng 0.5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1 (kỳ trước: 0.1%), vượt dự báo 0.4% của thị trường và là mức cao nhất kể từ tháng 8. Xét theo tháng, lạm phát tăng 0.7%, sau khi không đổi trong tháng 12. Lạm phát dịch vụ tăng lên 1.1%, với các lĩnh vực giải trí & giáo dục và y tế ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Giá sản xuất, hay giá bán buôn giảm 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1, không thay đổi so với con số của tháng 12 và mạnh hơn một chút so với dự báo giảm 2.1% của thị trường. Xét theo tháng, giá bán buôn tiếp tục giảm 0.2%, sau khi giảm 0.1% trong tháng 12. Công suất dư thừa và giá đầu vào giảm tiếp tục kéo theo giảm phát, với giá bán buôn hiện đã đi xuống liên tục trong gần hai năm rưỡi.

Mỹ

Dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động nhìn chung vẫn ở trạng thái cân bằng. Tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại cho thấy thị trường lao động đang dần hạ nhiệt, với thu nhập trung bình theo giờ tăng nhẹ nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu lạm phát của Fed khi xét đến năng suất lao động gần đây. Kỳ vọng lạm phát tăng đáng kể trong cả ngắn và dài hạn, trong khi điều kiện kinh tế nhìn chung xấu đi so với tháng trước. Điều này cho thấy sự bất ổn do các chính sách của tân Tổng thống Mỹ đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và có thể lan sang các quyết định chi tiêu, kỳ vọng lạm phát và thương lượng tiền lương.

Về thương mại, Tổng thống Trump dự kiến sẽ công bố các biện pháp thuế quan đối ứng trong tuần này, không trừ một ai, nhằm đảm bảo Mỹ được đối xử công bằng trong thương mại quốc tế. Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản vào hôm thứ Sáu. Được biết, ông đang xem xét áp thuế lên ô tô nhập khẩu.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan giảm từ mức 71.1 trong tháng 1 xuống 67.8 vào tháng 2. Chỉ số đánh giá điều kiện hiện tại giảm mạnh 5.3 điểm, trong khi chỉ số kỳ vọng tương lai cũng giảm 2.8 điểm. Đáng chú ý nhất, kỳ vọng lạm phát 1 năm tăng từ 2.8% trong tháng 12/2024 lên 3.3% vào tháng 1 và hiện đang ở mức 4.3%. Kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng tăng từ mức 3.2% trong tháng 1 và 3.0% hồi tháng 12/2024 lên 3.3%, hiện đang ở ngưỡng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Người tiêu dùng rõ ràng đang lo ngại về tác động lạm phát của thuế quan và khả năng tác động này sẽ kéo dài.

Số việc làm phi nông nghiệp tăng chậm lại còn 143,000 trong tháng 1, sau khi được điều chỉnh từ con số 307,000 (ban đầu là 256,000), đồng thời thấp hơn so với dự đoán 175,000 của thị trường. Việc làm tăng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và công tác xã hội. Dữ liệu điều chỉnh hàng năm cho thấy số việc làm phi nông nghiệp tăng trung bình 166,000 mỗi tháng trong năm 2024, giảm so với ước tính ban đầu là 186,000.

Về tiền lương, thu nhập trung bình theo giờ tăng 0.5% vào tháng 1, vượt dự báo 0.3% của thị trường và mức tăng trong tháng 12. Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 08/2024. Tăng trưởng thu nhập trung bình theo giờ đạt 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo 3.8% của thị trường và ngang với mức tăng trưởng trong tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm 0.1% xuống còn 4.0% trong tháng 1, thấp hơn một chút so với dự báo 4.1% của thị trường.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ