Westpac IQ: Nhà đầu tư tháo chạy, chứng khoán Mỹ chìm trong khói lửa; vàng thủng mốc 2,900 USD/oz, DXY vọt lên trên 107.00

Thành Duy
Junior editor
Nhận định thị trường ngày 27/02 bởi Ngân hàng Westpac.

Điểm chính
- Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận tăng thuế nhập khẩu đối với Canada và Mexico vào tuần tới, cộng thêm 10% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời áp dụng thuế quan đối ứng với tất cả các quốc gia khác đã hỗ trợ USD và khiến hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác mất giá.
- Dữ liệu kinh tế Mỹ trái chiều cùng với những lo ngại dai dẳng về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gia tăng tâm lý e ngại rủi ro trên toàn cầu. Phố Wall trọng thương sau phiên bán tháo mạnh.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn dài tăng nhẹ, nhưng nỗi lo ngại về tăng trưởng lại gây áp lực lên lợi suất kỳ hạn ngắn.
- Giá dầu tăng vọt sau tin tức về thuế quan, tâm lý trên thị trường kim loại vẫn ảm đạm.
Chứng khoán
Dữ liệu kinh tế trái chiều, kết quả kinh doanh kém ấn tượng của NVIDIA, cùng với các tin tức về việc tăng thuế quan thương mại đã khiến giới đầu tư trên Phố Wall bán tháo hàng loạt. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 và NASDAQ giảm lần lượt 1.4% và 2.5% so với phiên trước. Nhìn sang Châu Âu, trước khi có thông báo từ Tổng thống Trump, chỉ số Euro Stoxx 50 đã đảo ngược đà tăng đáng kể của phiên trước đó và giảm 1.0%, trong khi FTSE 100 – Anh tỏ ra kiên cường hơn, duy trì xu hướng tăng nhẹ. Chứng khoán Châu Á biến động trái chiều, chỉ số Nikkei 225 – Nhật Bản tăng 0.3%, Hang Seng giảm với tỷ lệ tương tự. Mặt khác, thị trường chứng khoán Úc nhìn chung khá tích cực. Nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp, chỉ số ASX 200 kết phiên tăng 0.3%.
Lợi suất
Nhìn chung, thị trường trái phiếu đã trải qua một phiên giao dịch cũng biến động không kém. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn dài tăng, nhưng lợi suất kỳ hạn ngắn lại giảm nhẹ do những lo ngại dai dẳng về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps lên 4.27%. Hiện tại, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất đã gia tăng đáng kể, với tổng mức nới lỏng dự kiến là 60 bps trong năm nay.
Lợi suất TPCP Úc tiếp tục giảm, xuống còn 4.34%, trong khi lợi suất TPCP Đức (Bund) kỳ hạn 10 năm cũng có xu hướng tương tự. Biên bản họp mới nhất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được công bố tối qua cho thấy các thành viên Hội đồng quản trị đang ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế tại Eurozone.
Ngoại hối
Tổng thống Trump xác nhận việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico sẽ được triển khai theo kế hoạch vào tuần tới. Ông cũng tuyên bố sẽ đánh thêm 10% thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và các mức thuế quan đối ứng sẽ được áp dụng lên tất cả các quốc gia để cân bằng và bù đắp cho những rào cản thuế quan, phi thuế quan mà các quốc gia khác áp đặt lên hàng xuất khẩu của Mỹ. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 4. Thủ tướng Canada – Justin Trudeau tuyên bố sẽ có hành động đáp trả quyết liệt và tức thì trước việc chính thức áp dụng thuế quan này. Chỉ số DXY theo đó tăng 0.8%, trở lại trên mốc 107.00, và hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác đều mất giá. EUR/USD giảm 0.8%, xuống còn 1.0400, trong khi GBP giảm 0.4% sau cuộc gặp giữa Lãnh đạo Công đảng Anh – Keir Starmer và Tổng thống Trump. Ngoài ra, không có gì ngạc nhiên khi đồng nội tệ của Canada và Mexico cũng giảm do tin tức về thuế quan. AUD là một trong những đồng tiền có hiệu suất kém nhất. AUD/USD theo đó giảm 1.1% xuống còn 0.6236 do dữ liệu đầu tư kinh doanh ảm đạm cho thấy tăng trưởng có khả năng sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Hàng hóa
Giá dầu thô phục hồi từ đáy năm sau khi Tổng thống Trump xác nhận kế hoạch áp dụng các mức thuế quan mới. Giá dầu thô WTI giao tháng 4 tăng 2.3%, chốt phiên ở mức 70.20 USD/thùng. Dù vậy, giá dầu vẫn giảm khoảng 3.5% trong tháng này, do những nỗ lực hướng tới việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine có thể khai thông nguồn cung nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Giá kim loại biến động trái chiều. Đồng giảm 0.7%, chạm mức thấp nhất trong hai tuần, trong khi nhôm đi ngang. Quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần do lo ngại về một làn sóng tái cơ cấu khác trong ngành thép Trung Quốc đã phủ bóng đen lên tâm lý thị trường. Vàng sụt hơn 40 USD/oz, thủng mốc 2,900 USD/oz do nhu cầu vàng vật chất có dấu hiệu suy yếu.
Chuyển động vĩ mô
Úc
Chi tiêu vốn (capex) trong Q4 gây bất ngờ khi giảm 0.2% so với dự báo tăng 0.5% của giới phân tích. Cả lĩnh vực khai khoáng và phi khai khoáng đều ghi nhận mức giảm lần lượt là 0.6% và 0.1%. Kế hoạch chi tiêu vốn cho năm tài chính 2024-2025 nhìn chung phù hợp với dự kiến, nhưng do số liệu thực tế của tháng 12 yếu hơn kỳ vọng, và các chuyên gia đã điều chỉnh dự báo chi tiêu danh nghĩa xuống mức 188 tỷ USD. Ước tính ban đầu về kế hoạch chi tiêu vốn cho năm tài chính 2025-2026 gây thất vọng khi chỉ đạt 148 tỷ USD, tăng 1.8% so với ước tính tương ứng của một năm trước đó. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm mạnh so với mức hai con số của ba năm qua, cho thấy các công ty dường như đang cảm thấy bất an trước những bất ổn gia tăng, đặc biệt là cuộc bầu cử liên bang sắp tới và bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới đầy biến động.
New Zealand
Sau ba tháng liên tiếp ghi nhận tâm lý kinh doanh suy yếu, khảo sát triển vọng kinh doanh của ANZ trong tháng 2 cho thấy chỉ số chung đã cải thiện, tăng từ 54.4 lên 58.4, vẫn gần mức cao nhất trong 10 năm đạt được vào tháng 10. Dường như các doanh nghiệp vẫn hy vọng rằng lãi suất thấp hơn sẽ giúp khơi dậy nền kinh tế trong năm tới. Kỳ vọng của các công ty về hoạt động kinh doanh của chính họ giảm nhẹ trong tháng, nhưng kỳ vọng về tuyển dụng và đầu tư đã tăng lên. Xét về hiệu suất hiện tại, 3% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình hình kinh doanh của họ đang kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ
Ước tính sơ bộ lần hai về GDP Q4 cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng thể và chi tiêu tiêu dùng cá nhân giữ nguyên ở mức lần lượt là 2.3% và 4.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư tư nhân yếu hơn một chút so với ước tính trước đó, nhưng đầu tư công đã bù đắp phần nào. Về áp lực lạm phát, cả hệ số giảm phát GDP toàn phần và lõi đều được điều chỉnh tăng, lần lượt từ 2.2% lên 2.4% và 2.5% lên 2.7%.
Mặt khác, dữ liệu đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lại cho thấy bức tranh trái chiều. Đơn đặt hàng tổng thể tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt 3.1% vào tháng 1 sau khi được điều chỉnh tăng nhẹ từ -2.2% lên -1.8% trong tháng 12. Đơn đặt hàng lõi tăng trưởng khiêm tốn hơn, đạt 0.8% trong tháng 1, và mức tăng bất ngờ này phần lớn bị triệt tiêu bởi việc điều chỉnh giảm số liệu tháng 12 từ 0.4% xuống 0.2%.
Ngoài ra, các dữ liệu khác của Mỹ cũng cho thấy những rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng từ 220,000 lên 242,000. Mặc dù vẫn thấp so với lịch sử, con số này lại đang tiệm cận mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua. bên cạnh đó, doanh số bán nhà đang chờ xử lý giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 1, giảm 4.6%. Việc điều chỉnh tăng số liệu tháng 12 đã hạn chế tác động tiêu cực lên tỷ lệ hàng năm, mặc dù doanh số bán hàng vẫn giảm 5.2% so với một năm trước đó. Chỉ số sản xuất của Fed chi nhánh Kansas City tiếp tục yếu trong tháng 2, ở mức -5. Về chính sách tiền tệ, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City – Esther George, bày tỏ lo ngại về tiến độ kiềm chế lạm phát và diễn biến kỳ vọng lạm phát, vốn đã tăng lên gần đây theo dữ liệu khảo sát.
Westpac IQ