Westpac IQ: Tổng thống Trump bất ngờ gọi tên EU trong đêm, Nvidia công bố báo cáo kết quả kinh doanh, thị trường phản ứng thế nào?

Thành Duy
Junior editor
Nhận định thị trường ngày 26/02 bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Những bất ổn về thuế quan vẫn tiếp diễn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến việc lùi thời điểm áp dụng thuế quan lên Canada và Mexico sang tháng 4, và bất ngờ tuyên bố mức thuế mới 25% nhắm vào hàng hóa từ EU, khiến EUR suy yếu.
- Dữ liệu CPI tháng 1 của Úc không có biến động đáng kể. Do đó, thị trường hoán đổi vẫn kỳ vọng lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ rơi vào tháng 7, với tổng cộng hơn hai lần cắt giảm trong năm nay.
- USD gần như đi ngang trong phiên giao dịch, nhưng hiệu suất lại khá phân hóa giữa các đồng tiền G10. AUD là đồng tiền yếu nhất, trong khi JPY tiếp tục mạnh lên.
Chứng khoán
Đặt trong bối cảnh ít thông tin kinh tế mới được công bố và nhiều bất ổn về thuế quan, thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung biến động trái chiều, cùng lúc chờ đợi kết quả kinh doanh của Nvidia. Chỉ số S&P 500 đi ngang, NASDAQ tăng nhẹ 0.3%, trong khi Dow Jones giảm 0.4% sau phiên tăng điểm mạnh mẽ trước đó.
Sau phiên giao dịch chính thức, Nvidia đã công bố báo cáo kinh doanh được mong đợi, với dự báo doanh thu Q1 khả quan hơn đôi chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Dù vậy, phản ứng ban đầu sau giờ giao dịch khá thận trọng do môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), vẫn còn nhiều bất ổn.
Kết quả kinh doanh tích cực là điểm sáng tại thị trường Châu Âu, giúp chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 1.5% trong phiên, trước khi thông tin về thuế quan mới từ Tổng thống Trump được công bố. Chỉ số DAX – Đức và FTSE 100 – London cũng tăng lần lượt 1.7% và 0.7%.
Điểm qua thị trường Châu Á, chỉ số Hang Seng – Hồng Kông dẫn đầu với mức tăng ấn tượng 3.3% sau thông tin về các khoản đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu và phát triển AI. Chứng khoán Thượng Hải tăng 0.9%, nhưng giảm nhẹ 0.2% tại Tokyo. Chỉ số ASX 200 – Úc giảm nhẹ 0.1% sau biến động trái chiều của hợp đồng tương lai tại các thị trường nước ngoài trong phiên trước.
Lợi suất
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 3 bps xuống 4.07%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps xuống 4.24%. Do không có nhiều thông tin kinh tế mới, dự báo của thị trường hầu như vẫn giữ nguyên, với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7 và tổng cộng gần 60 bps trong năm nay.
Mặt khác, lợi suất TPCP Úc kỳ hạn 3 năm giảm 2 bps xuống 3.80%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 4 bps xuống 4.36%. Sau những biến động đêm qua, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc cũng có diễn biến tương tự, với lợi suất kỳ hạn 3 năm và 10 năm giảm lần lượt 4 và 5 bps. Do dữ liệu CPI tháng 1 không có biến động đáng kể, thị trường hoán đổi vẫn kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 7, với tổng cộng hơn hai lần cắt giảm trong năm nay.
Ngoại hối
Mặc dù có thông tin về việc lùi thời điểm áp thuế, đồng bạc xanh lại phản ứng không quá mạnh, với chỉ số DXY tăng nhẹ 0.2% lên 106.49. Mặt khác, diễn biến giữa các cặp tiền tệ chính khá phân hóa.
EUR suy yếu so với USD sau thông tin về thuế quan mới, với tỷ giá EUR/USD giảm 0.3% xuống 1.0485. AUD có hiệu suất kém nhất, tỷ giá AUD/USD theo đó giảm 0.7% xuống 0.6301. CAD cũng suy yếu, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. GBP thì ngược lại, tăng nhẹ so với USD.
JPY tiếp tục cho thấy sự vượt trội so với các đồng tiền chủ chốt khác, khi xu hướng tăng so với USD đã duy trì trong phần lớn thời gian của năm cho đến hiện tại. Điều này phản ánh vị thế đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), khi đang trên đường thắt chặt chính sách tiền tệ sau thời gian dài nới lỏng. USD/JPY gần như không đổi trong ngày hôm qua, dao động quanh mức 149.03.
Hàng hóa
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 2.33 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất trong hai tháng. Tuy nhiên, bất chấp thông tin này và tin tức về việc Tổng thống Trump có thể thu hồi giấy phép khai thác dầu của một công ty Mỹ tại Venezuela, giá dầu vẫn giảm nhẹ về sát đáy năm. Kết phiên hôm qua, giá dầu WTI và Brent giảm 0.3%, 0.4%, xuống lần lượt 68.77 và 72.15 USD/thùng. Sắp tới, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục theo dõi sát sao triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Ở một diễn biến khác, thị trường kim loại biến động trái chiều, nhưng tâm lý chung vẫn chịu ảnh hưởng mạnh bởi những bất ổn về thuế quan. Điều này đặc biệt đúng với đồng, khi chênh lệch giá giữa Mỹ và Châu Âu tiếp tục mở rộng, khiến các thương nhân đẩy mạnh việc vận chuyển đồng sang Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0.6% lên 9,460 USD/tấn, trong khi nhôm giảm 0.2% xuống 2,632 USD/tấn và niken tăng mạnh 1.6% lên 15,580 USD/tấn.
Giá vàng vẫn neo ở mức cao, nhưng đã giảm nhẹ so với đỉnh lịch sử mới vừa thiết lập đầu tuần, đóng cửa tại 2,916 USD/ounce trong phiên hôm qua. Giá quặng sắt gần như không đổi, giảm nhẹ 0.1% xuống 105.65 USD/tấn.
Chuyển động vĩ mô
Úc
Chỉ số CPI tháng 1 giảm 0.2% so với tháng trước và tăng 2.5% so với cùng kỳ, gần như không đổi. Đã có những cập nhật quan trọng cho một số nhóm hàng hóa chỉ được khảo sát hàng quý, chủ yếu là quần áo, giày dép và đồ gia dụng, nhìn chung phù hợp với dự đoán. Điểm đáng chú ý là giá điện tăng do chương trình hỗ trợ tại Queensland kết thúc. Ngược lại, giá nhà đất tiếp tục giảm. Về lạm phát lõi, chỉ số này tăng nhẹ từ 2.7% trong tháng 12 lên 2.8% vào tháng 1, nhưng vẫn nằm trong khoảng mục tiêu 2-3% của RBA. Kết quả của một tháng là chưa đủ để thay đổi đáng kể bức tranh lạm phát, đặc biệt khi đây chỉ là một chỉ số “thiếu toàn diện”. Sắp tới, thị trường sẽ tập trung hơn vào dữ liệu chi tiết hàng quý, dự kiến công bố trước thềm cuộc họp của Hội đồng quản trị RBA vào tháng 5.
Bên cạnh đó, Úc cũng công bố số liệu sơ bộ về hoạt động xây dựng, một yếu tố cấu thành GDP Q4 sẽ được ra lò vào tuần tới. Mặc dù tăng trưởng 0.5% trong Q4 là thấp hơn kỳ vọng, nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế vẫn tích cực. Động lực chính vẫn là tăng trưởng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công cộng, bên cạnh đó là sự phục hồi dần trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ở. Áp lực lạm phát dường như cũng đang hạ nhiệt, cho thấy những nút thắt về năng lực sản xuất đang dần được tháo gỡ.
Mỹ
Doanh số bán nhà mới, một chỉ số dễ biến động, đã giảm mạnh 10.5% vào tháng 1, sau khi tăng 8.1% trong tháng 12 (sau điều chỉnh). Mặc dù còn biến động và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, nguồn cung trên thị trường nhà ở mới dường như đang dần cải thiện, cho phép doanh số bán hàng dần phục hồi.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta – Raphael Bostic, một lần nữa nhắc lại quan điểm diều hâu về triển vọng và rủi ro kinh tế, cho rằng Fed cần "duy trì lập trường hiện tại", tức là một "lập trường cứng rắn", để "kiểm soát lạm phát".
Đêm qua, Tổng thống Trump đã phát đi những tín hiệu trái chiều về chính sách thuế quan. Đối với mức thuế đánh vào hàng hóa của Canada và Mexico đã công bố trước đó, lần này ông lại đề cập đến việc lùi thời gian áp dụng sang tháng 4 thay vì tháng 3. Song, ông bất ngờ tuyên bố mức thuế 25% nhắm vào hàng hóa từ EU, một thông tin chưa từng được tiết lộ trước đó. Những diễn biến này đã làm gia tăng đáng kể bất ổn về cả thời gian và quy mô của chính sách thuế quan từ Mỹ.
Westpac IQ