Action Forex: Tâm lý e ngại rủi ro quay trở lại khi thị trường vẫn hoài nghi về lệnh miễn trừ thuế quan tạm thời của Tổng thống Trump

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung
Tâm lý trên thị trường ngoại hối đang có xu hướng nghiêng về e ngại rủi ro trong phiên Á, đánh dấu sự chuyển dịch so với đợt bán tháo USD diễn ra rộng khắp hồi đầu tuần. Đêm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh miễn trừ thuế quan tạm thời cho hàng hóa của Canada và Mexico theo Hiệp định USMCA, trì hoãn việc áp dụng toàn diện đến ngày 02/04. Mặc dù động thái này phần nào hỗ trợ cho CAD, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn còn mong manh, với các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều chìm trong sắc đỏ, mà NASDAQ là minh chứng rõ ràng nhất.
Lệnh miễn trừ thuế quan tạm thời này áp dụng cho khoảng 50% hàng nhập khẩu từ Mexico và 38% từ Canada. Dù vậy, quyết định của Tổng thống Trump dường như chưa đủ sức thuyết phục thị trường, khi các nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra dè dặt với chính sách thương mại thất thường của ông. Họ lo ngại trước những thông điệp thiếu nhất quán - khi thì khẳng định áp dụng thuế quan nghiêm ngặt, lúc lại ban hành lệnh miễn trừ. Chính sự khó đoán này khiến các nhà giao dịch thận trọng, và chưa thể xác định rõ vị thế giao dịch cho những thay đổi tiềm tàng trong tương lai của chính sách thương mại.
Mặc dù thuế quan được trì hoãn, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như AUD và NZD lại đang chịu áp lực bán mới trong phiên Á. Giờ đây, thị trường đang dồn sự chú ý vào ngày 02/04, thời điểm "thuế quan đối ứng" do Tổng thống Trump đề xuất sẽ chính thức có hiệu lực. Loại thuế quan này sẽ nhắm vào các quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ, khiến cho bóng ma chiến tranh thương mại vẫn còn bủa vây.
Không chỉ vậy, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) sắp được công bố của Mỹ cũng là một yếu tố khiến thị trường thêm phần bất an. Với bối cảnh tâm lý thị trường đang lung lay, bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào từ dữ liệu việc làm cũng có thể làm suy giảm đáng kể khẩu vị rủi ro. Mặc dù số liệu NFP thấp hơn dự kiến có thể làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất, các nhà giao dịch ngày càng lo ngại rằng một thị trường lao động suy yếu có thể là dấu hiệu báo trước một cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng hơn. Điều này cho thấy rằng ngay cả khi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất tăng lên cũng khó có thể khỏa lấp hoàn toàn nỗi lo suy thoái.
Cho đến thời điểm hiện tại của tuần giao dịch, USD vẫn đang loay hoay tìm kiếm điểm tựa và là đồng tiền có hiệu suất kém nhất. CAD theo sát phía sau, là đồng tiền yếu thứ hai, cùng với AUD. Ở chiều ngược lại, EUR tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng tài khóa tại Châu Âu. GBP và CHF cũng giữ vững phong độ, trong khi JPY và NZD xếp ở nhóm giữa.
NFP là tâm điểm: NASDAQ và S&P 500 đối mặt với nguy cơ điều chỉnh sâu hơn
Nhìn chung, thị trường Mỹ đang ở trong tình trạng bấp bênh, khi các nhà đầu tư dồn sự chú ý vào dữ liệu NFP tháng 2 dự kiến được công bố vào cuối ngày. Những lo ngại đáng kể về tác động của các thay đổi trong chính sách tài khóa và thương mại đang phủ bóng đen lên thị trường. Dữ liệu NFP thấp hơn dự kiến có thể được xem là một tín hiệu khác cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc nhanh chóng, và điều này có thể tiếp tục làm xáo trộn tâm lý thị trường.
Một thị trường việc làm hạ nhiệt có thể thúc đẩy Fed sớm nối lại việc cắt giảm lãi suất. Hiện tại, thị trường đang định giá 53% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 3, phản ánh niềm tin ngày càng tăng rằng ngân hàng trung ương này sẽ cần phải hành động sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, phản ứng tức thời của thị trường đối với những bất ngờ tiêu cực chưa hẳn là sự nhẹ nhõm trước viễn cảnh nới lỏng tiền tệ, mà có thể là những lo ngại ngày càng tăng về tốc độ suy yếu của nền kinh tế, xét đến những bất ổn chính sách gần đây và sự gián đoạn thương mại.
Dự báo của thị trường cho thấy số việc làm phi nông nghiệp sẽ tăng từ mức 143,000 trong tháng 1 lên 156,000 vào tháng 2. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng sẽ giữ nguyên ở mức 4.0%, trong khi tăng trưởng lương trung bình theo giờ dự kiến cũng sẽ ổn định, đạt 0.3% so với tháng trước.
Các dữ liệu gần đây cho thấy một bức tranh trái chiều: Chỉ số việc làm trong PMI sản xuất của ISM giảm từ 50.3 xuống 47.6, trong khi tăng nhẹ từ 52.3 lên 53.9 ở ngành dịch vụ. Dữ liệu việc làm của ADP chỉ đạt 77,000, thấp hơn nhiều so với mức 186,000 trong tháng trước, và trung bình bốn tuần gần nhất của số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên 224,000 – mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Về mặt kỹ thuật, NASDAQ đã giảm điểm trong hai tuần liên tiếp, hiện đang kiểm tra đường EMA 55 tuần tại 17,874. Việc phá vỡ dứt khoát mức này sẽ xác nhận rằng chỉ số đang trong giai đoạn điều chỉnh của xu hướng tăng từ đáy 10,088 (năm 2022). Mức hỗ trợ quan trọng tiếp theo cần theo dõi là ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (10,088 - 20,204) tại 16,340. Nếu chỉ số tiếp tục xuyên thủng hỗ trợ này, điều đó có thể báo hiệu một xu hướng tiêu cực cho toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ.
Đồ thị chỉ số NASDAQ khung 1W
S&P 500 hiện vẫn đang giao dịch trên đường EMA 55 tuần tại 5,590 và có thể sẽ nối gót NASDAQ nếu tâm lý thị trường tiếp tục xấu đi. Nếu chỉ số xuyên thủng hỗ trợ này, điều đó có thể xác nhận rằng đợt giảm từ đỉnh 6,147 là một nhịp điều chỉnh của xu hướng tăng từ đáy 3,491 (năm 2022). Hỗ trợ tiềm năng tiếp theo dự kiến sẽ là ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% ở khoảng 5,132, đánh dấu một bước ngoặt giảm điểm đáng kể.
Đồ thị chỉ số S&P 500 khung 1W
Kết lại, dù báo cáo NFP hôm nay đạt, thấp hơn hay vượt kỳ vọng, phản ứng của thị trường sẽ còn phụ thuộc vào cách các nhà đầu tư diễn giải dữ liệu việc làm này trong bối cảnh bất ổn thương mại đang hiện hữu và đà tăng trưởng đang suy yếu. Một báo cáo NFP yếu có thể đẩy cao kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ đang hụt hơi, tiềm ẩn rủi ro cho cả giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách.
Những phát biểu đáng chú ý từ các quan chức Fed và BoE
Thành viên FOMC – Christopher Waller: Không cắt giảm lãi suất ngay lập tức, nhưng cởi mở với việc nới lỏng trong tương lai
Thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – Christopher Waller, cho rằng xác suất cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo là không cao, nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong tương lai. "Tôi sẽ không nói là tại cuộc họp tiếp theo, nhưng chắc chắn có thể thấy [việc cắt giảm] diễn ra trong thời gian tới," ông lưu ý. Waller đặc biệt nhấn mạnh báo cáo lạm phát tháng 2 và tác động hiện hữu từ các chính sách thương mại là những yếu tố chủ chốt định hình triển vọng của Fed.
Waller thừa nhận những thách thức trong việc đánh giá tác động kinh tế của thuế quan, do những thay đổi trong điều kiện kinh tế và lập trường cứng rắn hơn về thương mại của Tổng thống Trump đã làm phức tạp thêm các quyết định chính sách. Ông lưu ý rằng việc đánh giá tác động của thuế quan lần này khó khăn hơn, và bày tỏ thêm, "Rất khó để hấp thụ mức thuế 25% mà vẫn đảm bảo được biên lợi nhuận."
Chủ tịch Fed – Raphael Bostic: Nền kinh tế đang biến động, không cần vội vàng điều chỉnh chính sách
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta – Raphael Bostic, nhấn mạnh mức độ bất ổn cao trong nền kinh tế Mỹ do các chính sách đang thay đổi dưới thời chính quyền Trump 2.0. Với lạm phát, chính sách thương mại và chi tiêu chính phủ đều đang biến động, ông cho rằng phải đến "cuối mùa xuân hoặc mùa hè" mới có thể thấy được bức tranh rõ ràng hơn. Do đó, ông nhắc lại: "Chúng ta cần phải thật sự kiên nhẫn."
Bostic trong bài phát biểu đêm qua đã mô tả tình hình kinh tế là "cực kỳ biến động", với những thay đổi nhanh chóng trong chính sách thương mại và tài khóa khiến việc dự đoán xu hướng kinh tế trở nên khó khăn. Với bối cảnh này, ông kêu gọi sự thận trọng: "Chúng ta phải kiên nhẫn và không nên hành động quá vội vàng."
Ông lưu ý rằng chỉ trong tuần này, đã có những biến động đáng kể trong kỳ vọng liên quan đến chính sách kinh tế. "Nếu trước đây tôi đã chờ đợi để thấy và có được một tín hiệu rõ ràng về hướng đi của nền kinh tế, thì bây giờ tôi càng phải chờ đợi," ông nói.
Thành viên MPC – Catherine Mann: Cần cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn khi những biến động kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng
Thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) – Catherine Mann, lập luận rằng những thay đổi trong chính sách tiền tệ gần đây đã bị lu mờ bởi "những biến động kinh tế toàn cầu." Sự biến động của thị trường tài chính, đặc biệt là từ các cú sốc xuyên biên giới, đã làm gián đoạn những tín hiệu chính sách truyền thống, khiến "tiền đề cơ bản cho cách tiếp cận 'từ tốn' đối với chính sách tiền tệ không còn phù hợp."
Mann cho rằng việc cắt giảm lãi suất mạnh tay, ví dụ như mức 50 bps mà bà ủng hộ tại cuộc họp BoE gần nhất, sẽ giúp “đi xuyên qua vùng nhiễu động" này tốt hơn và cung cấp thông điệp rõ ràng hơn cho nền kinh tế. Bà tin rằng một lập trường chính sách quyết đoán hơn sẽ giúp định hướng kỳ vọng lạm phát và ổn định các điều kiện kinh tế, thay vì để sự bất ổn kéo dài với những động thái nhỏ lẻ, tăng dần. Dù vậy, BoE đã chọn mức cắt giảm lãi suất 25 bps trong quyết định mới nhất, khi Mann và thành viên ôn hòa Swati Dhingra bị bác bỏ với tỷ lệ 7-2.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8.4%
Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 539.9 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-2, thấp hơn dự báo 5.0% và giảm mạnh so với mức 10.7% của tháng 12. Ngược lại, nhập khẩu giảm 8.4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 369.4 tỷ USD, trượt kỳ vọng tăng 1.0%, đồng thời ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với mức tăng 1.0% trong tháng 12. Kết quả là, cán cân thương mại đạt mức thặng dư 170.5 tỷ USD, vượt dự đoán ở mức 147.5 tỷ USD.
Lịch kinh tế hôm nay có gì?
Đơn đặt hàng nhà máy (Đức), dự trữ ngoại hối (Thụy Sĩ) và số liệu điều chỉnh GDP (Eurozone) sẽ là dữ liệu tâm điểm của phiên Âu. Cuối ngày, số liệu việc làm tại Canada cũng sẽ được công bố cùng với báo cáo NFP của Mỹ.
Phân tích kỹ thuật USD/CHF
Xu hướng trong ngày của USD/CHF vẫn nghiêng về chiều giảm. Đà tăng từ 0.8374 có thể đã kết thúc ở 0.9222, sau khi bị chặn đứng bởi ngưỡng kháng cự quan trọng 0.9223. Dự kiến cặp tiền này sẽ giảm sâu hơn về ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% (0.8374 - 0.9200) tại 0.8690. Ở chiều ngược lại, nếu vượt qua ngưỡng kháng cự yếu 0.8924, xu hướng trong ngày có thể chuyển sang trung lập. Dẫu vậy, đà tăng sẽ vẫn bị hạn chế chừng nào ngưỡng kháng cự 0.9035 còn được giữ vững.
Đồ thị USD/CHF khung 4H
Xét về bức tranh lớn hơn, việc bị chặn đứng bởi ngưỡng kháng cự 0.9223 cho thấy triển vọng trung hạn vẫn nghiêng về chiều giảm. Nói cách khác, xu hướng giảm từ đỉnh 1.0342 (năm 2017) vẫn chưa kết thúc. Việc phá vỡ dứt khoát hỗ trợ 0.8332 (đáy năm 2023) sẽ là tín hiệu xác nhận xu hướng giảm tiếp diễn.
Đồ thị USD/CHF khung 1D
Action Forex