Càng tiến sâu hơn vào vòng đàm phán đầy cam go và vô cùng phức tạp, mục tiêu của chính quyền Mỹ càng rõ ràng!

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Phản ứng trái chiều của các đối tác thương mại Mỹ trước thuế quan "Ngày Giải phóng"
Tâm lý thị trường toàn cầu đang có những dấu hiệu ổn định ban đầu, tuy vẫn còn dè dặt. Làn gió lạc quan thổi qua khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Scott Bessent, phát tín hiệu rằng Mỹ đã áp đặt mức thuế "trần" lên các quốc gia không trả đũa, và mức thuế này có thể được xem xét giảm dần. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là dấu hiệu an toàn tuyệt đối, bởi chiến lược thương mại tổng thể của Mỹ vẫn đang được triển khai và tiềm ẩn nhiều biến số.
Mục tiêu của chính quyền Mỹ ngày càng rõ ràng: không chỉ đơn thuần giảm thuế quan, mà còn nhắm đến những rào cản thương mại phi thuế quan như trợ cấp chính phủ, chính sách tiền tệ và các quy định quản lý. Điều này khiến các cuộc đàm phán thương mại trở nên vô cùng phức tạp, đặc biệt khi mỗi quốc gia đối tác đều có những ràng buộc kinh tế và chính trị riêng. Chính sự phức tạp này sẽ khiến con đường đi đến một giải pháp trở nên dài hơi và gian nan.
Các quốc gia đang có những phản ứng trái chiều. Trung Quốc chọn lối đối đầu trực diện, nhanh chóng áp đặt mức thuế trả đũa 34% và hiện đang đối mặt với lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thêm 50% thuế nếu Bắc Kinh không nhượng bộ trong thời gian tới. Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản bác mạnh mẽ, cáo buộc Mỹ "tống tiền", cho thấy cả hai bên đều chưa sẵn sàng xuống nước. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang lao vào một cuộc đối đầu dai dẳng và tổn hại nặng nề hơn.
Ngược lại, EU đang theo đuổi một chiến lược thận trọng hơn. Mặc dù Ủy ban Châu Âu đã công bố một số biện pháp trả đũa thuế quan hạn chế vào tối thứ Hai, nhắm vào thép và nhôm của Mỹ, nhưng họ vẫn chưa tung ra đòn đáp trả trên diện rộng. Ủy viên Thương mại EU – Maros Sefcovic, một lần nữa khẳng định EU sẵn sàng đàm phán, đề xuất phương án "không thuế quan" cho hàng công nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo EU sẽ không "chờ đợi vô thời hạn", và một gói trả đũa mạnh tay hơn dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Ở một diễn biến khác, tình hình với Nhật Bản vẫn chưa thực sự rõ ràng. Dù Tokyo đến nay vẫn tránh trả đũa trực tiếp, nhưng rõ ràng Mỹ đang mong đợi những nhượng bộ đáng kể. Bộ trưởng Tài chính Bessent xác nhận các cuộc đàm phán sắp tới với Nhật Bản sẽ bao gồm không chỉ thuế quan mà còn có các rào cản thương mại phi thuế quan, trợ cấp chính phủ, và thậm chí cả chính sách tiền tệ. Phản ứng của Nhật Bản trong cuộc đàm phán đa chiều này sẽ đóng vai trò then chốt, đặc biệt khi chính phủ thiểu số đang phải chịu áp lực chính trị trong nước và sự phục hồi kinh tế vẫn mong manh.
Với bối cảnh đầy biến động này, các nhà giao dịch được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước những thông tin nhiễu loạn và giả mạo (fake news) trên thị trường. Những tin đồn thất thiệt, chẳng hạn như việc Mỹ có thể trì hoãn thuế quan 90 ngày hoặc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, lan truyền nhanh chóng nhưng đã bị bác bỏ ngay sau đó.
Chủ tịch Fed Adriana Kugler: Kiểm soát kỳ vọng lạm phát là trọng tâm hàng đầu
Chủ tịch Fed Adriana Kugler đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát trong bài phát biểu tại một lớp học kinh tế thuộc Đại học Harvard. Bà nhắc lại cam kết của Fed đối với mục tiêu lạm phát 2% và khẳng định: "Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo lạm phát không nóng lên".
Kugler cũng lưu ý rằng hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên có thể khả quan hơn dự kiến, nhờ vào việc người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu trước khi thuế quan được áp dụng. Mặc dù toàn bộ tác động của việc chuyển giao chi phí liên quan đến thuế quan vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, bà thừa nhận những áp lực tài chính mà điều này có thể gây ra cho các hộ gia đình. Bà lập luận: "Đây chính là lý do tại sao chúng tôi cần phải tập trung cao độ vào vấn đề này."
Chủ tịch Fed Austan Goolsbee: Cần dựa vào dữ liệu thực tế, không có giải pháp dễ dàng cho rủi ro đình lạm
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago – Austan Goolsbee, bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại leo thang do thuế quan, trả đũa và các biện pháp chống trả đũa tiềm tàng, có thể tái diễn tình trạng bất ổn kinh tế của giai đoạn 2021-2022 khi lạm phát "hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát".
Ông cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, nếu các mối đe dọa về thuế quan được thực thi một cách triệt để, đặc biệt trong trường hợp gặp phải sự trả đũa tương xứng, nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi trở lại vào vòng xoáy lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ (hay nói ngắn gọn là đình lạm). Tuy nhiên, Goolsbee cũng thừa nhận rằng tình hình vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ông lưu ý rằng các cuộc đàm phán vẫn có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng, đặc biệt nếu chúng dẫn đến những hiệp định thương mại mới. Ông cũng nhắc đến quan điểm lạc quan của Bộ trưởng Tài chính Bessent về một "kỷ nguyên vàng của thương mại" trong tương lai.
Goolsbee nhấn mạnh, nếu đình lạm bắt đầu xuất hiện, phản ứng của Fed sẽ không hề đơn giản. Định hướng chính sách phù hợp sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của tăng trưởng và lạm phát trong những tháng tới. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phân tích dữ liệu thực tế," ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong trường hợp tăng trưởng suy yếu và giá cả leo thang, "không có một giải pháp chung chung" nào cho chính sách tiền tệ.
Kinh tế Úc: Các chỉ số niềm tin cho thấy sự kém sắc; RBA được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Westpac đã giảm mạnh 6% trong tháng 4, từ 95.9 xuống 90.1. Sự sụt giảm này chịu ảnh hưởng đáng kể bởi thời điểm khảo sát, trùng với việc Mỹ công bố các biện pháp thuế quan đối ứng vào ngày 02/04.
Kết quả khảo sát từ những người được hỏi trước khi có thông báo chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ xuống 93.9, trong khi những người được khảo sát sau đó lại cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ gần 10%, xuống còn 86.6. Các chỉ số phụ đo lường kỳ vọng vào nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với triển vọng 1 năm tới giảm 5.7% xuống 90.5 và triển vọng 5 năm giảm 3%.
Với cuộc họp sắp tới của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào ngày 19-20/05, Westpac tin rằng bối cảnh bên ngoài ảm đạm, cùng với lạm phát hạ nhiệt, sẽ là lý do khiến RBA cắt giảm lãi suất thêm 25 bps. Bên cạnh đó, RBA có thể sẽ "chú trọng hơn vào các rủi ro giảm phát đối với tăng trưởng hơn là những băn khoăn kéo dài về lạm phát".
Ngoài ra, chỉ số niềm tin kinh doanh của NAB cũng giảm nhẹ từ -2 xuống -3 vào tháng 3, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực, trong khi điều kiện kinh doanh đã cải thiện đôi chút, tăng từ 3 lên 4. Áp lực chi phí nhìn chung ổn định, với chi phí đầu vào tăng 1.4% so với quý trước, giá đầu ra giữ ở mức 0.5% và chi phí lao động giảm nhẹ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của NAB – Sally Auld, lưu ý rằng tình hình kinh doanh tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngành, với lĩnh vực dịch vụ thể hiện tốt nhất trong khi sản xuất và bán lẻ vẫn đang đối mặt với áp lực. Mặc dù vậy, điều quan trọng là, dữ liệu này được thu thập trước khi thương mại toàn cầu leo thang, đặc biệt là các biện pháp thuế quan đối ứng được công bố vào đầu tháng. Như Auld cảnh báo, những diễn biến này có thể "tác động đến các chỉ số dự báo trong cuộc khảo sát tiếp theo."
Action Forex