Châu Âu đang bước vào một cuộc chạy đua tái vũ trang đầy cam go

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Sau nhiều thập kỷ hưởng lợi từ “cổ tức hòa bình”, châu Âu đang đối mặt với áp lực phải tăng cường chi tiêu quân sự. Với áp lực từ việc Mỹ có thể thu hẹp cam kết an ninh, các quốc gia EU buộc phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng—một sự chuyển dịch có thể làm lung lay hệ thống phúc lợi hào phóng bậc nhất thế giới. Những lựa chọn trước mắt đầy khắc nghiệt: cắt giảm ngân sách an sinh, tăng thuế, hay vay nợ nhiều hơn trong bối cảnh tài khóa đã căng thẳng.

Hiện tại, EU chi tiêu chỉ dưới 2% GDP cho quốc phòng, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu đang công khai tranh luận về việc nâng mức chi tiêu lên tới 3.5% GDP hoặc cao hơn trong thập kỷ tới — một mức chưa từng thấy ở châu Âu lục địa kể từ cuối những năm 1960.
Nếu các nước EU duy trì mức chi tiêu quốc phòng cao hơn trong giai đoạn 1995-2023, họ sẽ phải phân bổ thêm 387 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của FT dựa trên tỷ giá ngang giá sức mua năm 2020. Đối với Anh, quốc gia đã chi 2.3% GDP cho quốc phòng vào năm 2023, mức tăng tương ứng sẽ là 35 tỷ USD mỗi năm—một con số tương đương với toàn bộ ngân sách dành cho nhà ở và tiện ích địa phương. Những tính toán này cho thấy cái giá khổng lồ của việc tái vũ trang, buộc các chính phủ phải đánh đổi giữa an ninh quốc gia và các ưu tiên kinh tế-xã hội khác.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho biết châu Âu đã được hưởng một món quà hòa bình trong nhiều thập kỷ gần đây, giúp “giải phóng các nguồn lực kinh tế cho đầu tư tư nhân và cho phép chính phủ tăng cường hỗ trợ phúc lợi xã hội và mạng lưới an sinh tài chính”.
Châu Âu trước đây có thể duy trì mức chi tiêu quân sự thấp nhờ sự bảo vệ từ Mỹ, điều này cho phép khu vực này xây dựng một trong những hệ thống an sinh xã hội hào phóng nhất thế giới cho dân số ngày càng già hóa. Lợi thế này giờ đã chấm dứt — và châu Âu phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
Trên toàn EU, chi tiêu cho an sinh xã hội đã tăng dần theo tỷ trọng trong tổng chi tiêu chính phủ, từ 36.6% năm 1995 lên 41.4% ngay trước đại dịch, theo số liệu của Eurostat.
Chi tiêu của chính phủ Đức cho an sinh xã hội, bao gồm phúc lợi và lương hưu nhưng không bao gồm chăm sóc sức khỏe, cao hơn gấp đôi so với Mỹ tính theo tỷ lệ GDP. Khoảng cách này còn lớn hơn đối với Pháp.
Trong giai đoạn 1963-2023, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng so với GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Âu đã giảm một nửa. Nếu các chính phủ muốn tăng chi tiêu quân sự lên mức cao hơn như trong quá khứ, họ sẽ phải tìm nguồn tài chính bổ sung. Có hai cách chính:
- Cắt giảm chi tiêu hiện tại, tức là phải bớt ngân sách từ các lĩnh vực khác như phúc lợi xã hội, lương hưu hoặc y tế—điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội từ người dân.
- Vay thêm tiền, nhưng nhiều nước châu Âu đang gặp khó khăn về tài chính, nợ công đã cao nên khó có thể vay thêm mà không gây ra rủi ro về ổn định tài chính.
Trên khắp châu Âu, những nỗ lực nhằm kiểm soát chi tiêu an sinh xã hội thường gặp nhiều khó khăn và phản ứng mạnh mẽ. Những nỗ lực của Pháp nhằm kiểm soát chi tiêu lương hưu đã nhiều lần gây ra các cuộc biểu tình lớn, bao gồm cả năm 2023, khi Tổng thống Emmanuel Macron thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm, mục tiêu cuối cùng là tiết kiệm khoảng 18 tỷ euro mỗi năm. Tuy nhiên, hiện tại đang có cuộc tranh luận về việc hủy bỏ thay đổi này do áp lực từ các công đoàn và phe đối lập.
Việc Trump việc Trump có lập trường mềm mỏng hơn với Nga và những đe dọa rút lui khỏi NATO đã buộc châu Âu phải có phản ứng. Khu vực này đã bắt đầu chuyển hướng sang một chính sách quốc phòng độc lập hơn.
Claus Vistesen, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, cho biết: "Khoảng cách về năng lực quốc phòng là rất lớn và tiến trình hiện vẫn còn quá chậm. Một giai đoạn chuyển đổi dài, vội vã và hoảng loạn đang chờ đợi. Châu Âu chưa có lực lượng quân đội đủ sức đối đầu với một đối thủ ngang tầm kể từ thập niên 1970-1980, khi khu vực này duy trì tư thế quốc phòng cao trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Lực lượng quân đội Anh đã giảm hơn một nửa từ năm 1985 đến 2020, chỉ còn 153,000 người. Tổng số quân nhân của EU cũng giảm từ 3 triệu xuống còn 1.9 triệu trong cùng giai đoạn.
Xu hướng chi tiêu quốc phòng đã bắt đầu tăng trở lại trong những năm gần đây. Năm 2024, chi tiêu quốc phòng của EU ước tính đạt 326 tỷ euro — khoảng 1.9% GDP của EU, tăng từ 214 tỷ euro năm 2021. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 150 tỷ euro trong 15 năm trước 2019.
Tuy nhiên, mức chi tiêu cần thiết để tăng cường quốc phòng nằm ở một quy mô hoàn toàn khác, từ 160 tỷ euro đến 460 tỷ euro mỗi năm.
Guntram Wolff, chuyên gia cao cấp tại Bruegel, cho biết “trật tự thế giới mới” sẽ đưa châu Âu quay lại mức chi tiêu quân sự tương đương thập niên 1980, xét theo tỷ lệ GDP. Điều này sẽ khiến châu Âu đánh đổi nhiều hơn trong ngân sách công. Các chương trình viện trợ nước ngoài có khả năng sẽ là những lĩnh vực bị cắt giảm đầu tiên, trong khi các quyết định khó khăn đối với ngân sách phúc lợi đang ở phía trước.
Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz đã đề xuất kế hoạch dỡ bỏ giới hạn vay nợ quốc gia khi sử dụng để tài trợ cho chi tiêu quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất miễn trừ 800 tỷ euro vay nợ bổ sung của các chính phủ EU khỏi các quy tắc về nợ và thâm hụt của khối.
Chính phủ Anh cam kết chi 2.5% GDP cho quốc phòng vào năm 2027, được tài trợ bằng cách cắt giảm viện trợ nước ngoài, và sau đó sẽ đặt mục tiêu tăng tiếp lên 3%.
Ba Lan đã nhanh chóng tăng cường chi tiêu quân sự, ủng hộ yêu cầu của Trump rằng các quốc gia NATO phải dành 5% GDP cho quốc phòng, với mức phân bổ 4.7% trong năm nay.
Dù Đức có thể phát hành thêm trái phiếu, nhiều quốc gia châu Âu khác có vị thế tài chính kém hơn nhiều. Ví dụ, nợ công của Ý đã tăng từ 31% GDP vào thập niên 1960 lên 137% vào năm 2024.
Pháp và Anh cũng có mức nợ công vượt quá quy mô nền kinh tế, cùng với thâm hụt ngân sách lớn. Hiện tại, EU chi khoảng 2% GDP cho lãi suất vay nợ, con số này của Ý cao gấp đôi.
Cắt giảm chi tiêu chính phủ cho lương hưu và y tế sẽ đặc biệt khó khăn, vì châu Âu là khu vực có dân số già nhất thế giới, đồng nghĩa với việc chi tiêu xã hội sẽ tăng và nguồn thu giảm khi lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.
Financial Times