Cơn đau đầu của chủ tịch Fed Powell - khi tròn vai thôi là chưa đủ

Cơn đau đầu của chủ tịch Fed Powell - khi tròn vai thôi là chưa đủ

Tú Đỗ

Tú Đỗ

Senior Economic Analyst

23:43 15/07/2020

Cuộc khủng hoảng Covid ập tới khiến Chủ tịch Fed Powell giờ đây phải đối mặt với một tình cảnh vô cùng khó khăn.

Bạn có thể nghĩ rằng việc điều hành nền kinh tế của các NHTW cũng giống như các kỹ sư xây dựng – cắt gọt một chút lãi suất ở chỗ này hoặc sửa chữa một vài quy định ở chỗ kia. Tuy vậy, công việc của họ còn liên quan tới cả tâm lý học trong đó. Để đạt được mức tăng trưởng cao, người dân cần phải sẵn lòng chi tiêu ngay trong hôm nay với kỳ vọng tình hình nền kinh tế được đảm bảo trong tương lai. Điều này khiến cho việc truyền tải thông điệp của các NHTW trở nên đặc biệt quan trọng. Vào thời điểm mới nhậm chức, Jerome Powell, đương kim Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ, đã chứng tỏ khả năng trong việc kiếm soát mức độ lạc quan của thị trường. Là một người thẳng thắn, ông cũng có cho mình sự cuốn hút nhất định để làm hài lòng những nhà hoạch định chính sách kinh tế. Tuy nhiên đến lúc này, vị chủ tịch Fed đang phải đối mặt với một hoàn cảnh thật sự khắc nghiệt. Di sản ông có thể để lại cũng như quỹ đạo phục hồi của kinh tế Mỹ đều đang phụ thuộc vào cách ông sẽ sử dụng sự tín nhiệm của mình ra sao.

Khi Powell được bổ nhiệm chức chủ tịch vào năm 2018, kỳ vọng dành cho ông là khá khiêm tốn. Tổng thống Trump đã lựa chọn ông thay vì tiếp tục giữ Janet Yellen – một nhà kinh tế học đáng kính– thêm một nhiệm kỳ, mặc dù bà cũng đã hoàn thành rất tốt công việc của mình. Ông Powell được đào tạo về chuyên ngành luật thay vì kinh tế, và trước đó đã dành phần lớn thời gian sự nghiệp trong ngành tài chính. Mặc dù là một người theo Đảng Cộng hòa, ông đã được đề cử vào hội đồng Fed bởi Barrack Obama khi đó đã buộc phải nhượng bộ trước những nghị sỹ đảng đối lập tại Quốc hội.

Trên thực tế, trong những năm đầu điều hành, Powell đã bất ngờ hoàn thành rất tốt công việc của mình. Chu kỳ tăng trưởng của kinh tế Mỹ mà ông được kế thừa từ người tiền nhiệm sau đó đã tiếp tục kéo dài lên mức kỷ lục trong lịch sử. Tới đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức 3.5%, mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ. Vào năm 2018, NHTW Mỹ đã thực hiện đánh giá lại các công cụ và hoạt động truyền thông của mình, trong đó có chương trình “Fed lắng nghe” với một chuỗi các sự kiện hướng tới công chúng. Chương trình trên dường như đã gây ấn tượng mạnh. Ông thường xuyên thừa nhận điều này trong các bài phát biểu của mình và qua đó phát hiện rằng những người lao động thu nhập thấp chính là đối tượng thường hưởng lợi ít nhất trong giai đoạn tăng trưởng của nền kinh tế. Việc chỉ đơn thuần tập trung vào mục tiêu giữ lạm phát ở mức thấp có thể gây áp lực một cách hệ thống lên các gia đình thuộc tầng lớp lao động tại Mỹ.

Rất khó để nói chắc chắn, tuy nhiên bài học trên dường như cũng đã có ảnh hưởng nhất định tới những chính sách điều hành sau đó. Fed đã cắt giảm 0.75% lãi suất điều hành trong quý 2/2019 bất chấp cảnh báo, một số đến từ cả nội bộ - rằng điều này có thể đẩy tỷ lệ lạm phát tăng lên hoặc gây nên sự bất ổn tài chính trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát thấp kỷ lục và giá các tài sản tăng cao. Phân tích số liệu việc làm ấn tượng của nước Mỹ trong tháng 11, ông Powell cho rằng “vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện”. Khi đại dịch Covid ập tới, ông nhanh chóng đưa ra giải pháp để hạn chế tổn thất về mặt kinh tế. Fed đã triển khai một loạt các chương trình cho vay để giữ cho thị trường tài chính tiếp tục vận hành, lập tức đưa lãi suất điều hành trở về mức 0, và bơm ra gần 3 nghìn tỷ USD thông qua việc mua vào các tài sản tài chính. Quốc hội Mỹ cũng hành động, thông qua đạo luật để hỗ trợ cho các công ty và hộ gia đình đang vật lộn với dịch bệnh. Fed, dưới sự điều hành của Powell, đã là một điểm sáng hiếm hoi giữa đại dịch.

Bản chất của cuộc suy thoái do Covid gây ra đang dần thay đổi. Việc mở cửa trở lại đã giúp nền kinh tế khôi phục được phần nào sản lượng sụt giảm khổng lồ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5. Tuy nhiên sự phục hồi ban đầu chỉ là bề nổi so với bối cảnh u ám trong dài hạn. Mặc dù số lượng việc làm đã bất ngờ tăng thêm gần 5 triệu người trong tháng 6, mặt bằng hiện vẫn đang thấp hơn khoảng 15 triệu so với mức tháng 2. Số lượng những người mất những công việc lâu dài là gần 600 nghìn người. Những dự báo đang dần trở nên u ám hơn. Theo bản dự phóng thực hiện bởi Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho thấy kinh tế Mỹ sẽ chưa trở lại công suất hoạt động bình thường ít nhất cho tới năm 2028. Thậm chí cho tới năm 2030, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn sẽ không thể giảm thấp hơn mức tại thời điểm ông Powell lên nắm quyền.

Ông Powell giờ đây đang thấy bản thân mắc kẹt trong một tình thế không hề dễ chịu, cũng giống như những người tiền nhiệm là Yellen hay Ben Bernanke trong giai đoạn 2006-2014: các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống không còn hiệu quả trong bối cảnh tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài. Giống như họ, ông Powell đã nhấn mạnh rằng sẽ cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ các chính sách kích thích tài khóa. Dù vậy ông cũng không hề vội vàng để thử nghiệm các công cụ phi truyền thống khác, như kiểm soát lãi suất dài hạn, giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức âm hay phát biểu rõ ràng hơn về quan điểm điều hành trong tương lai. Sự dè dặt của ông Powell không phải bởi ông cho rằng chi phí của các công cụ đó cao hơn so với lợi ích mang lại, mà bởi vì ông tin rằng các công cụ hiện tại vẫn đang là đủ. “Tôi cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang ở mức độ hợp lý”, ông phát biểu vào tháng 6. Sự chần chừ trên có vẻ như khá hợp lý. Việc tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất khi đã ở mức thấp như hiện tại cùng lắm cũng chỉ cải thiện đôi chút cho nhu cầu của nền kinh tế. Lập luận của công cụ định hướng thị trường (forward guidance) đó là cam kết cho phép tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu trong tương lai để khuyến khích người dân chi tiêu ngay hôm nay. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đại dịch Covid-19 rõ ràng là một chướng ngại vật lớn nhất cho viễn cảnh phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Fed, rất tiếc, hoàn toàn bó tay trước vấn đề y tế.

Kỳ vọng nào cho tương lai

Việc án binh bất động sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn là chúng ta tưởng. Fed rõ ràng không thể dễ dàng cải thiện mọi thứ nếu như đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành, nhưng nó hoàn toàn có thể khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Nếu không có sự định hướng rõ ràng từ NHTW Mỹ về việc sẽ tăng lãi suất trở lại trong điều kiện nào, kỳ vọng về việc lãi suất tăng lên và một sự phục hồi chậm chạp – giống như cuộc khủng hoảng gần nhất – có thể trở nên phổ biến hơn. Ông Powell đã xây dựng danh tiếng của mình nhờ việc tăng số lượng việc làm lên tối đa, điều này có thể cho phép ông đưa ra những lời cam kết có trọng lượng về việc giữ chính sách tiền tệ như hiện tại bất chấp những dấu hiệu phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Ông thậm chí có thể tham khảo từ ông Bernanke, người sau khi nghỉ hưu đã đề xuất rằng khi lãi suất giảm về 0, NHTW nên xem xét áp dụng một mức giá mục tiêu tạm thời, cam kết bù đắp cho bất cứ sự suy giảm của tỷ lệ lạm phát trong các giai đoạn suy thoái, và chấp nhận việc tỷ lệ lạm phát có thể vượt lên trên mục tiêu trong ngắn hạn.

Quá ít sự truyền thông về chính sách đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều công việc cố định bị mất đi, càng dấy lên sự sự bi quan và xói mòn dần danh tiếng của ông Powell. Dù sẽ ít người có thể chỉ trích ông nếu nền kinh tế không thể phục hồi nhanh chóng sau suy thoái, nhưng với những thành tích đã đạt được, người dân Mỹ hoàn toàn có lý do để kỳ vọng nhiều hơn thế.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn (hay tiềm năng tăng trưởng) của một nền kinh tế được xác định bởi nhiều yếu tố. Mặc dù ít được quan tâm do tính học thuật cao, dữ liệu này có tầm quan trọng tương đối lớn. Trong một loạt báo cáo gồm năm phần, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân phân tích triển vọng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ.
Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá

Tâm lý thị trường đã có bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu hơn vào tuần trước, với tâm lý sợ rủi ro chiếm ưu thế trên khắp các loại tài sản. Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế xấu đi ở Hoa Kỳ và tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng khẩu vị rủi ro có thể suy yếu hơn nữa. Cổ phiếu phải đối mặt với áp lực bán mới trong khi lợi suất giảm mạnh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ