Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:03 25/04/2025

Bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu từ mặt trận thương mại, sự phục hồi của thị trường Châu Á vẫn còn dè dặt, cho thấy giới đầu tư đang chờ đợi những bằng chứng cụ thể về tiến bộ thực tế. Tâm điểm chú ý cũng đổ dồn vào dữ liệu lạm phát tại Nhật Bản và những cảnh báo về rủi ro thương mại từ các ngân hàng trung ương lớn.

Bối cảnh chung

Hôm nay, thị trường Châu Á nhìn chung nổi bật với tâm lý lạc quan thận trọng, dù đà tăng chủ yếu tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông. Đợt phục hồi nhẹ này được củng cố bởi một vài thông tin cho thấy những bước tiến nhỏ trong ngoại giao thương mại toàn cầu, ngay cả khi tiến triển thực tế vẫn còn hạn chế.

Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất đến từ báo cáo của Bloomberg, cho thấy Trung Quốc đang xem xét tạm ngừng áp dụng mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thiết bị y tế, hóa chất công nghiệp và khả năng là cả dịch vụ cho thuê máy bay. Dù động thái như vậy sẽ đánh dấu một sự xuống thang đáng kể, nhưng nó vẫn chỉ mang tính suy đoán ở giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ những tuyên bố từ Trung Quốc rằng không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Trump khẳng định rằng "họ đã có một cuộc họp sáng nay," mặc dù không rõ "họ" ở đây ám chỉ ai - ngay cả ông cũng thừa nhận sự mơ hồ này. Do không có sự xác nhận chính thức từ cả hai phía, phản ứng thận trọng của thị trường là điều dễ hiểu.

Song, thông tin từ Washington về một cuộc họp thương mại "rất thành công" giữa Mỹ và Hàn Quốc lại mang tính cụ thể hơn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ sự lạc quan bất ngờ sau các cuộc đàm phán song phương "2+2", gợi ý rằng “technical-level negotiations” (tạm dịch: các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật) có thể bắt đầu sớm nhất là vào tuần tới. Hàn Quốc đang nuôi hy vọng đạt được thỏa thuận với Mỹ trước tháng 7 nhằm ngăn chặn các mức thuế sắp có hiệu lực. Kết quả là, tin tức này đã tạo ra một cú hích đáng kể cho cổ phiếu ngành đóng tàu Hàn Quốc, một lĩnh vực vốn rất nhạy cảm với các diễn biến thương mại toàn cầu.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã công bố một gói kích thích kinh tế khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của việc Mỹ tăng thuế. Gói kích thích này bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, các biện pháp hướng đến người tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu nội địa, cùng các hình thức cứu trợ có mục tiêu như trợ cấp hóa đơn năng lượng và giảm giá nhiên liệu. Điều này đã góp phần củng cố tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, khi chính phủ thể hiện sự sẵn sàng hành động nhanh để ứng phó với các cú sốc ngoại biên và ổn định nhu cầu.

Ở mặt trận khác, thị trường tiền tệ cũng phản ánh sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. NZD tiếp tục dẫn đầu đà tăng trong tuần này, theo sau là AUDUSD. Ở chiều ngược lại, các đồng tiền trú ẩn an toàn như CHF, JPYEUR vẫn chịu áp lực khi nhà đầu tư giảm bớt các vị thế phòng thủ. GBPCAD đang giữ vị thế trung lập, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ các báo cáo doanh số bán lẻ sẽ được công bố hôm nay tại Anh và Canada. Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao bất kỳ bình luận nào từ Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Martin Schlegel, liên quan đến sức mạnh gần đây của CHF trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro bao trùm thị trường toàn cầu.

Một số tin tức đáng chú ý khác

CPI lõi Tokyo bất ngờ tăng vọt trong tháng 4, củng cố kỳ vọng BoJ tăng lãi suất vào tháng 6

Lạm phát tại thủ đô Nhật Bản tăng mạnh trong tháng 4, với chỉ số CPI lõi không bao gồm thực phẩm tươi sống tăng tốc từ mức 2.4% so với cùng kỳ (svck) lên 3.4%, vượt dự báo là 3.2%. Chỉ số CPI lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tập trung hơn vào yếu tố lạm phát trong nước, cũng tăng mạnh từ 2.2% svck lên 3.1%. CPI toàn phần tăng từ 2.9% svck lên 3.5%.

Bất chấp số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 01/05, nhằm đánh giá tác động sâu rộng hơn từ những biện pháp thuế quan gần đây của Mỹ và chờ đợi tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Dù vậy, với việc lạm phát đang tăng tốc trên các nhóm hàng hóa chủ chốt, kỳ vọng của thị trường đang chuyển dần sang khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 6.

Thống đốc BoJ Ueda cho biết các đối tác G20 có chung quan điểm về rủi ro thuế quan đối với thương mại và tâm lý thị trường

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã thừa nhận mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu về tác động kinh tế của các biện pháp thuế quan, sau các cuộc thảo luận với những người đồng cấp quốc tế tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ueda cho biết nhiều nhà hoạch định chính sách toàn cầu "về cơ bản có cùng quan điểm" rằng thuế quan gây áp lực lên hoạt động thương mại, làm suy yếu niềm tin kinh doanh và gia tăng biến động thị trường. Ông lưu ý rằng những yếu tố này sẽ được tích hợp vào quá trình đánh giá liên tục của BoJ về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Ueda tái khẳng định lập trường của BoJ là nâng lãi suất một cách từ từ, với điều kiện lạm phát cơ bản tiếp tục hướng về mục tiêu 2%. Dù vậy, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một cách tiếp cận thận trọng và dựa trên dữ liệu thực tế. "Chúng tôi muốn phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu đầu vào khác nhau, mà không có bất kỳ định kiến nào," ông phát biểu.

Chủ tịch Fed Kashkari: Sự thay đổi trong chính sách thương mại có thể làm tăng chi phí vay của Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, đã nhấn mạnh các rủi ro kinh tế gắn liền với những thay đổi trong cán cân thương mại của Mỹ và tình trạng bất ổn kéo dài từ các tranh chấp thương mại đang diễn ra.

Phát biểu tại một sự kiện đêm qua, Kashkari lưu ý rằng tình trạng thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ từ lâu đã được bù đắp bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài, yếu tố giúp duy trì lãi suất ở mức thấp. Do đó, nếu Mỹ chuyển dịch sang trạng thái thặng dư thương mại và đánh mất vị thế là "điểm đến hàng đầu và duy nhất cho dòng vốn", thì chi phí vay vốn có thể tăng lên, kéo theo đó là cả mức lãi suất tự nhiên.

Kashkari nhấn mạnh rằng việc giải quyết các tranh chấp thương mại hiện tại với các đối tác lớn có thể mang lại sự rõ ràng rất cần thiết cho giới doanh nghiệp và các hộ gia đình, qua đó làm giảm bớt "sự bất ổn đặc biệt lớn" mà họ đang phải đối mặt.

Ông cảnh báo rằng sự suy giảm niềm tin tập thể có thể nhanh chóng lan rộng khắp nền kinh tế, “thực sự làm suy giảm nền kinh tế, thực sự làm chậm nó” và có khả năng châm ngòi cho tình trạng mất việc làm. Mặc dù kịch bản suy thoái như vậy chưa thành hiện thực, Kashkari cho biết đây là một rủi ro mà ông đang "theo dõi sát sao".

Phân tích kỹ thuật USD/CAD

Xu hướng trong ngày của USD/CAD hiện tại vẫn nghiêng nhẹ về phía tăng. Đợt phục hồi từ đáy ngắn hạn 1.3780 có thể sẽ tiếp tục mở rộng, tuy nhiên, đà tăng này dự kiến sẽ bị giới hạn bởi kháng cự 1.4150 và ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.4791 - 1.3780) tại 1.4166. Ở chiều giảm, nếu hỗ trợ 1.3780 bị xuyên thủng, toàn bộ xu hướng giảm bắt đầu từ đỉnh 1.4791 sẽ được tái thiết lập.

Đồ thị USD/CAD khung 4H

Xét trong bức tranh lớn hơn, việc vùng hỗ trợ được hợp thành bởi đỉnh năm 2022 (1.3976) và đường EMA 55 tuần (ở mức 1.3982 tại thời điểm viết bài) bị xuyên thủng cho thấy đỉnh trung hạn đã được hình thành tại mức 1.4791. Đà giảm từ đây có thể là sóng điều chỉnh của xu hướng tăng từ đáy 1.2005, hoặc cũng có thể là sự đảo chiều xu hướng. Ở cả hai trường hợp, nếu ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.2005 - 1.4791) tại 1.3727 bị xuyên thủng, khả năng cặp tiền sẽ giảm tiếp về ngưỡng 61.8% tại 1.3069.

Đồ thị USD/CAD khung 1D

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn

Bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu từ mặt trận thương mại, sự phục hồi của thị trường Châu Á vẫn còn dè dặt, cho thấy giới đầu tư đang chờ đợi những bằng chứng cụ thể về tiến bộ thực tế. Tâm điểm chú ý cũng đổ dồn vào dữ liệu lạm phát tại Nhật Bản và những cảnh báo về rủi ro thương mại từ các ngân hàng trung ương lớn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ