Đối mặt! BoC và ECB – Lời giải nào cho bài toán cân bằng giữa việc ứng phó với tăng trưởng suy yếu và nguy cơ lạm phát gia tăng từ thuế quan?

Đối mặt! BoC và ECB – Lời giải nào cho bài toán cân bằng giữa việc ứng phó với tăng trưởng suy yếu và nguy cơ lạm phát gia tăng từ thuế quan?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:21 14/04/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Nhìn chung, thị trường tài chính Châu Á khởi đầu tuần mới tương đối êm ả, mang đến cho nhà đầu tư chút thời gian nghỉ ngơi sau những biến động dữ dội do rối ren thuế quan của Mỹ gây ra trong tuần trước. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều tăng điểm, nhưng dường như đây là kết quả mang tính kỹ thuật hơn là tín hiệu lạc quan trở lại.

Về thị trường tiền tệ, hầu hết các cặp tỷ giá chính và tỷ giá chéo đều dao động trong biên độ của ngày thứ Sáu. Ngoại lệ duy nhất là một số cặp tỷ giá liên quan đến NZD, có mức biến động mạnh hơn. Hiện tại, dường như biến động đã dịu xuống so với đỉnh điểm hai tuần trước, tạo ra một khoảng lặng ngắn ngủi cho nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, chính sách thuế quan nhập nhằng của Mỹ vẫn tiếp tục gây xáo trộn. Cuối tuần qua, có thông tin cho rằng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc như điện thoại thông minh và máy tính sẽ không phải chịu mức tăng thuế 145% như dự kiến, mà chỉ ở mức 20%. Song, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhanh chóng khuấy động thị trường với tuyên bố sẽ áp thuế riêng biệt lên chất bán dẫn trong tuần này, cùng với một cuộc điều tra an ninh quốc gia mới nhắm vào ngành công nghiệp chip. Cách triển khai thiếu nhất quán và khó lường này khiến thị trường khó lòng đánh giá rủi ro hay dự đoán hướng đi tiếp theo.

Ở một diễn biến khác, trên mặt trận ngoại giao, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy chiến lược củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực khi Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị Mỹ cô lập về thương mại. Chuyến đi của ông Tập, bao gồm cả các chặng dừng chân tại Campuchia và Malaysia, cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế trước nguy cơ bị Mỹ "chia cắt". Mặt khác, Việt Nam lại đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhưng đồng thời cũng bị Washington "soi" kỹ lưỡng và có thể phải đối mặt với mức thuế 46% từ Mỹ nếu không siết chặt các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Sang tuần mới, thị trường sẽ chuyển hướng phần nào sự chú ý sang quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Cả hai đều đang phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa việc ứng phó với tăng trưởng suy yếu và nguy cơ lạm phát gia tăng từ thuế quan. Bên cạnh đó, hàng loạt dữ liệu quan trọng, bao gồm doanh số bán lẻ tại Mỹ, khảo sát ZEW của Đức, số liệu việc làm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh, báo cáo lạm phát New Zealand, và GDP Q1 của Trung Quốc, sẽ hé lộ thêm bằng chứng cho thấy những tác động của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế toàn cầu.

Một số tin tức nổi bật gần đây

Thống đốc BoJ Ueda: Thuế quan của Mỹ đe dọa tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan mới đây của Mỹ có thể gây áp lực giảm lên cả nền kinh tế toàn cầu lẫn Nhật Bản thông qua nhiều kênh khác nhau. Mặc dù không chỉ rõ cụ thể các tác động, nhưng nhận định này cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng rằng căng thẳng thương mại leo thang có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, khiến niềm tin của doanh nghiệp suy giảm, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra biến động mạnh trên thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường tiền tệ. Ông Ueda khẳng định BoJ vẫn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, và chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến của nền kinh tế, lạm phát và tình hình tài chính. Ông nhấn mạnh rằng BoJ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến nào.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm tại ASEAN

Xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3, đạt 313.9 tỷ USD, vượt xa dự báo 4.4% và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ so với mức tăng trưởng 2.3% trong hai tháng đầu năm. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 9.18%, có thể do các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trước khi căng thẳng thuế quan leo thang. Xuất khẩu sang ASEAN cũng tăng trưởng tốt, đạt mức 11.6%, đặc biệt là tăng trưởng hai con số ở các thị trường quan trọng như Thái Lan (27.8%) và Việt Nam (18.9%). Song, Việt Nam, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xuất khẩu của Trung Quốc, đang chịu áp lực phải kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc hàng hóa và nguyên vật liệu. Gần đây, theo một tài liệu của Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp ngăn chặn gian lận xuất xứ để tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan từ Mỹ, cho thấy hàng hóa Trung Quốc được trung chuyển qua các nước thứ ba đang bị giám sát ngày càng gắt gao. Ngược lại với đà tăng trưởng của xuất khẩu, nhập khẩu giảm 4.3% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thặng dư thương mại lớn hơn dự kiến, đạt 102.6 tỷ USD.

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis: Giới đầu tư đang tìm kiếm “trạng thái bình thường mới” giữa bất ổn thương mại

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, thừa nhận rằng các nhà đầu tư toàn cầu đang loay hoay tìm hướng đi giữa những bất ổn xoay quanh chính sách thương mại và tài khóa của Mỹ. Phát biểu trên chương trình Face the Nation của đài CBS, Kashkari cho biết biến động gần đây của thị trường trái phiếu phản ánh nỗ lực “xác định trạng thái bình thường mới ở Mỹ”, đặc biệt là về lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài. Kashkari nhấn mạnh rằng Fed “hoàn toàn không có khả năng” tác động đến điểm cân bằng cuối cùng, mà theo ông, hoàn toàn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thương mại và quyết định tài khóa từ Washington. Kashkari cũng lưu ý rằng thuế quan bản chất là lạm phát, nhưng câu hỏi quan trọng là liệu tác động của nó lên giá cả sẽ là tạm thời hay lâu dài. “Thuế quan đẩy giá lên và kéo kinh tế xuống,” ông nhận định, mô tả đây là một tình huống khó khăn, hạn chế khả năng can thiệp của Fed. Vai trò của ngân hàng trung ương, theo ông, là “đảm bảo rằng việc tăng giá do thuế quan gây ra chỉ diễn ra một lần, không trở thành một xu hướng lạm phát kéo dài”. Ông cũng khẳng định rõ ràng rằng chính sách tiền tệ không thể bù đắp hoàn toàn cho những thiệt hại kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra. Khi thị trường tiếp nhận các vòng thuế quan mới, các biện pháp trả đũa và những thay đổi chính sách, Kashkari cho biết, “chúng ta sẽ phải theo dõi thêm”. Ông nhấn mạnh, “Chúng tôi chỉ có thể ngăn chặn lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.”

Cú sốc thuế quan thử thách quyết tâm của BoC và ECB

Bước vào tuần làm việc rút ngắn do nghỉ lễ, thị trường bước từng bước với tâm trạng hồi hộp chờ đợi hàng loạt quyết định quan trọng từ các ngân hàng trung ương, bao gồm BoC và ECB, cũng như nhiều dữ liệu kinh tế then chốt.

Cuộc họp của BoC được dự báo là một trong những cuộc họp khó đoán nhất trong hai năm qua. Các luồng quan điểm trên trường đang chia rẽ, với khoảng 60% nhà đầu tư dự đoán BoC sẽ tạm dừng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tuần này. Sau khi cắt giảm lãi suất vào tháng 3, ngân hàng trung ương này nhấn mạnh rằng họ sẽ “thận trọng với bất kỳ thay đổi nào tiếp theo” do triển vọng kinh tế ngày càng phức tạp. BoC đang đứng trước lựa chọn khó khăn: ưu tiên kiểm soát lạm phát do ảnh hưởng của thuế quan hay tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Nếu chọn phương án thứ hai, BoC có thể cắt giảm thêm 25 bps để đưa lãi suất xuống mức 2.5%. Dữ liệu CPI tháng 3, công bố một ngày trước khi BoC đưa ra quyết định, sẽ là yếu tố then chốt. Nếu báo cáo cho thấy sự tăng vọt bất ngờ của cả lạm phát toàn phần và lõi trong tháng 2 chỉ là nhất thời, BoC sẽ có đủ lý do để tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ngược lại, giữ nguyên lãi suất sẽ là lựa chọn an toàn hơn.

Cuộc họp của ECB cũng đang là tâm điểm chú ý. Khảo sát của Reuters cho thấy, 61 trong số 71 nhà kinh tế dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi 25 bps, xuống còn 2.25%. Dự kiến ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống 2.00% vào tháng 6. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của ECB hầu như chưa đưa ra bất kỳ định hướng rõ ràng nào trong bối cảnh môi trường thương mại đang thay đổi nhanh chóng, nhưng nhìn chung, họ dường như đang tập trung nhiều hơn vào rủi ro giảm phát hơn là nguy cơ lạm phát dai dẳng.

Ngoài ra, biên bản cuộc họp tháng 4 của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) dự kiến sẽ nhắc lại quan điểm thận trọng và chưa sẵn sàng cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Song, dữ liệu thị trường lao động công bố cuối tuần này có thể sẽ là phép thử cho quyết tâm của RBA. Nếu báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến, thị trường có thể sẽ đặt cược nhiều hơn vào việc RBA sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 5. Dù vậy, sau cùng, dữ liệu CPI Q1, sẽ được công bố vào ngày 30/04, mới là yếu tố quyết định cho chính sách của RBA.

Về mặt dữ liệu, doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ là chỉ báo quan trọng cho thấy mức độ ảnh hưởng của bất ổn thương mại lên chi tiêu hộ gia đình. Mặt khác, chỉ số tâm lý kinh tế ZEW của Đức sẽ cho thấy niềm tin kinh doanh tại Châu Âu bị ảnh hưởng như thế nào bởi cuộc chiến thương mại leo thang. Các dữ liệu quan trọng khác bao gồm số liệu việc làm và CPI của Anh, CPI của New Zealand, và GDP Q1 của Trung Quốc.

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ