JPMorgan Research: Dự báo BoC tiếp tục nới lỏng chính sách trong bối cảnh bất ổn

Như Quỳnh
Junior Analyst
Nhận định của JPMorgan New York.

Tại cuộc họp chính sách tuần này, Ngân hàng Canada (BoC) sẽ phải đưa ra quyết định trong bối cảnh cú sốc chiến tranh thương mại khiến kinh tế đối đầu với những thách thức đan xen: lạm phát cao và tăng trưởng kém (có nguy cơ suy thoái cao). JPMorgan kỳ vọng BoC sẽ quyết định cắt giảm thêm 25bp như một biện pháp phòng ngừa, đưa lãi suất chính sách xuống 2.5%. Tuy nhiên, mức độ tin cậy vào động thái này không cao do bối cảnh bất ổn hiện tại. Thị trường chỉ định giá khả năng hạ lãi suất vào thứ Tư ở mức khoảng 1/3, và nhận định chung đã dịch chuyển sang sự mong đợi giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này. JPMorgan sẽ không ngạc nhiên nếu BoC quyết định giữ nguyên lãi suất tuần này, mặc dù điều này có khả năng sẽ xảy ra hơn vào cuộc họp tiếp theo vào tháng Sáu.
Lý do cho việc giữ nguyên lãi suất tuần này phản ánh những lo ngại về lạm phát, niềm tin rằng Canada đã "thoát" khỏi làn sóng thuế mới nhất và tín hiệu từ Bản tóm tắt Phiên họp tháng Ba. Chỉ số CPI tháng 3 sẽ được công bố trước thềm cuộc họp của BoC, và JPMorgan nghi ngờ rằng điều này sẽ tác động đến định giá thị trường nhiều hơn là quan điểm của các thành viên Hội đồng thống đốc. JPMorgan dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng do chấm dứt kỳ nghỉ thuế liên bang, nhưng yếu tố một lần này khó có thể khiến BoC trì hoãn cắt giảm lãi suất. Sau bài phát biểu cuối tháng trước, Thống đốc BoC Tiff Macklem nhấn mạnh rằng chỉ số CPI tháng 2 tăng mạnh (một phần do giá cả phục hồi sau khi chính sách giảm thuế GST/HST kết thúc giữa tháng) không "thay đổi cơ bản" cách nghĩ của BoC lúc đó. JPMorgan lưu ý rằng dự báo lạm phát tháng 3 vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của BoC.
Trên thực tế, việc Canada không phải là trọng tâm của các biện pháp thuế quan đáp trả, cùng với việc tiếp tục miễn trừ tạm thời đối với linh kiện ô tô, có nghĩa là chính phủ liên bang áp dụng ít thuế nhập khẩu từ Mỹ hơn so với dự kiến ban đầu. Chính các biện pháp trả đũa này tiềm ẩn rủi ro tăng lạm phát trong ngắn hạn. Trong khi đó, đồng nội tệ cũng tăng giá so với USD, một yếu tố khác giúp giảm áp lực lạm phát. Cuối cùng, từ góc độ tăng trưởng, lập luận "thoát thuế" có vẻ quá lạc quan: vẫn còn nhiều mức thuế của Mỹ đối với các ngành khác chưa được áp dụng (có thể bao gồm đồng và gỗ - hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Canada sang Mỹ), chưa kể đến sự không chắc chắn về tình trạng miễn trừ theo hiệp định USMCA hiện tại.
Việc Hội đồng thống đốc chia rẽ giữa nới lỏng và giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 3, cùng với tuyên bố kết thúc Bản tóm tắt thảo luận rằng "Hội đồng đã đồng ý thận trọng trong các thay đổi chính sách tiền tệ tiếp theo", củng cố khả năng BoC có thể quyết định giữ nguyên lãi suất lần này. Tuy nhiên, JPMorgan cho rằng lập luận ủng hộ giữ lãi suất sẽ mạnh hơn vào tháng 6, khi tác động ban đầu của thuế quan đến lạm phát và tăng trưởng trở nên rõ ràng. Dù môi trường bất ổn có thể làm tăng sức hấp dẫn của việc hành động thận trọng (điều mà Fed gần đây cũng đề cập), JPMorgan cho rằng có lý do thuyết phục hơn để áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước khi cần thiết. Dữ liệu mới nhất về thị trường lao động, PMI và doanh số bán lẻ đều cho thấy sự suy yếu ngày càng rõ của nền kinh tế thực; sự phục hồi sau đợt đẩy mạnh xuất khẩu đầu năm là điều tất yếu; và tâm lý tiếp tục xấu đi, như phản ánh trong các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Macklem đã nêu rõ rằng BoC không thể loại trừ tác động trực tiếp ban đầu của thuế quan lên lạm phát, nhưng chính sách tiền tệ "phải đảm bảo rằng mức giá tăng do thuế quan không trở thành lạm phát chung lâu dài". Do đó, dự báo của JPMorgan cho thấy BoC sẽ cố gắng củng cố uy tín chống lạm phát không phải ngay bây giờ mà vào mùa hè này, khi áp lực tăng giá ngắn hạn dự kiến sẽ gia tăng mạnh kể từ báo cáo CPI tháng 4. Đồng thời, Khảo sát ý kiến doanh nghiệp mới đây cũng cho thấy kỳ vọng tăng lương của các công ty đã chậm lại. Điều này làm giảm bớt lo ngại về kỳ vọng không neo và hiệu ứng vòng hai trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ thêm cho một đợt cắt giảm lãi suất phòng ngừa. Sau kỳ vọng tạm dừng vào tháng 6, JPMorgan dự báo BoC sẽ cắt giảm thêm 75bp trong quý III và 25bp vào đầu quý IV, đưa lãi suất chính sách xuống 1.5% vào cuối năm, khi mức độ suy thoái hoạt động kinh tế trở nên rõ rệt hơn.
Cuối cùng, để đánh giá hàm phản ứng của BoC, cần lưu ý rằng chính sách hiện đang nằm giữa phạm vi trung lập ước tính của BoC (2.25–3.25%), và việc cắt giảm 25bp tuần này không đưa chính sách vào vùng hỗ trợ theo quan điểm của BoC. Tuy nhiên, một đợt giảm nhẹ tiếp theo sẽ đẩy chính sách tiến gần hơn đến việc phòng ngừa rủi ro khi hoạt động kinh tế hạ nhiệt, với nhận thức rằng nếu tăng trưởng chậm lại và rơi vào suy thoái như dự kiến vào cuối năm, việc chuyển sang lập trường hỗ trợ hoàn toàn là phù hợp, cùng với áp lực giảm phát đi kèm suy thoái củng cố quan điểm này. Tuy nhiên, do chiến tranh thương mại cũng đặt ra câu hỏi về các vấn đề cấu trúc như chuỗi cung ứng, tổ chức sản xuất và nhu cầu khu vực, thì mức lãi suất trung lập cũng có thể giảm dần trong năm nay.
JPMorgan