Lạm phát Mỹ sẽ còn tiếp tục dai dẳng

Lạm phát Mỹ sẽ còn tiếp tục dai dẳng

Thảo Nguyên

Thảo Nguyên

Junior Analyst

00:11 15/09/2022

Thị trường đã kỳ vọng số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ sẽ đem lại những tín hiệu tích cực. Lạm phát toàn phần hằng năm tháng 7 đã giảm so với mức đỉnh 9.1% của tháng 6 và các nhà kinh tế kỳ vọng rằng tháng 8 sẽ là tháng thứ 2 liên tiếp mức lạm phát lõi tăng không đáng kể, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng. Nhưng hy vọng để rồi thất vọng. Số liệu mới nhất được đưa ra vào ngày 13 tháng 9 cho thấy tỷ lệ lạm phát toàn phần đã giảm xuống còn 8.3% vào tháng Tám. Tuy nhiên lạm phát lõi đã tăng 0.6% trong tháng, gấp đôi so với mức dự báo 0.3%. Những con số trên đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường: chỉ số S&P 500 giảm 4.4% do các nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn và nhanh hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào lạm phát cơ bản trong bối cảnh giá năng lượng biến động lớn. Giá dầu thô giảm một phần tư so với mức đỉnh hồi đầu tháng Sáu. Nhìn vào bảng phân tích dữ liệu giá tháng 8, giá năng lượng giảm khiến tỷ lệ lạm phát hàng tháng giảm đến gần nửa điểm phần trăm. Nhưng các mặt hàng khác như thực phẩm, hàng hóa và đặc biệt là các dịch vụ như tiền thuê nhà đã tăng lên (xem biểu đồ).


Nếu tỷ lệ lạm phát cơ bản của tháng 8 được duy trì trong cả năm, đồng nghĩa là tỷ lệ lạm phát hàng năm là 7.4% — cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75bps lần thứ ba liên tiếp vào cuộc họp cuối tháng này, tạo ra tốc độ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong bốn thập kỷ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức lạm phát cơ bản cao là do sự thắt chặt của thị trường lao động. Nguồn cung lao động ít trong khi lượng cầu lao động cao, người lao động có ưu thế hơn trong thương lượng, điều này được phản ánh qua mức lương cao ngất ngưởng. Một thước đo của Fed tại Atlanta cho thấy trong tháng 8, tiền lương đã tăng với tốc độ hàng năm gần 7%. Nhiều nhà kinh tế đưa ra kết luận tiêu cực rằng có lẽ cần có sự tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp để giảm áp lực tiền lương, từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ cần tăng nhẹ lên 4.1% vào năm 2024 so với mức hiện tại là 3.7%. Nhưng một bài báo gần đây của Laurence Ball đến từ Đại học Johns Hopkins cùng với Daniel Leigh và Prachi Mishra của IMF lập luận rằng mức thất nghiệp 4.1% sẽ phù hợp với lạm phát cơ bản từ 2.7% đến 8.8% vào năm 2024. Nói cách khác rất khó để Mỹ thoát khỏi vũng lầy lạm phát mà không có nhiều người mất việc làm.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần đặt ra một câu hỏi hấp dẫn. Người tiêu dùng không phân biệt được sự khác nhau này. Tất cả mức giá đều quan trọng. Giá xăng dầu ở Mỹ rất thu hút sự chú ý của người dân ở đây. Các cuộc khảo sát về người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng của họ về lạm phát trong tương lai đã giảm mạnh kể từ tháng 6, chắc chắn là do giá dầu giảm.
Như ông Ball và các đồng tác giả khác lập luận, việc không lường trước được tác động dẫn truyền từ giá năng lượng tăng cao dẫn tới lạm phát cơ bản là một lý do khiến các nhà kinh tế học sai lầm về áp lực lạm phát trong năm qua. Hy vọng rằng thời gian tới, việc giá năng lượng lao dốc sẽ tiếp tục dẫn đến sự suy yếu của lạm phát cơ bản, và sẽ một lần nữa đánh lừa các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, trước mắt cần thừa nhận vấn đề lạm phát của Mỹ vẫn còn dai dẳng và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

The Economist

Broker listing

Cùng chuyên mục

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn (hay tiềm năng tăng trưởng) của một nền kinh tế được xác định bởi nhiều yếu tố. Mặc dù ít được quan tâm do tính học thuật cao, dữ liệu này có tầm quan trọng tương đối lớn. Trong một loạt báo cáo gồm năm phần, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân phân tích triển vọng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ.
Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá

Tâm lý thị trường đã có bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu hơn vào tuần trước, với tâm lý sợ rủi ro chiếm ưu thế trên khắp các loại tài sản. Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế xấu đi ở Hoa Kỳ và tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng khẩu vị rủi ro có thể suy yếu hơn nữa. Cổ phiếu phải đối mặt với áp lực bán mới trong khi lợi suất giảm mạnh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ