Nếu không được như ý, Trump có thể bỏ rơi Ukraine?

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Nếu không thể đạt được thỏa thuận với Ukraine, đội ngũ của Donald Trump có thể sẽ rút lui.

Sau hơn 90 ngày kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tiến gần đến lời hứa “kết thúc chiến tranh trong một ngày”. Đề xuất của ông và đội ngũ bị chỉ trích là thiên lệch về phía Nga, với những nhượng bộ lớn đối với Moscow mà không có cam kết bảo đảm an ninh rõ ràng cho Kyiv. Khi cả châu Âu lẫn Ukraine đều giữ khoảng cách, còn Nga thì chưa trả lời, viễn cảnh ông Trump “bỏ cuộc” đang dần trở thành hiện thực.
Kế hoạch của Trump đang nhượng bộ hơn đối với Nga, bao gồm việc công nhận việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cam kết Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Mỹ cũng đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga mà không yêu cầu nước này thực hiện các hành động cải thiện cụ thể. Đổi lại, Ukraine sẽ chỉ nhận được một lệnh ngừng bắn dọc theo các đường ranh chiến sự hiện tại, với điều kiện Nga giữ lời. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch, đặc biệt khi nó không đưa ra bất kỳ cam kết bảo đảm an ninh nào cho Ukraine, cũng như không có sự đảm bảo rằng Nga sẽ tuân thủ các điều kiện trong tương lai. Những động thái này càng khiến viễn cảnh một cuộc chiến hòa bình bền vững cho Ukraine trở nên xa vời.
Mặc dù kế hoạch này chứa đựng nhiều nhượng bộ dành cho Nga, nhưng nó không đáp ứng tất cả yêu cầu của Moscow. Đầu tiên, Mỹ không công nhận chính thức việc Nga sáp nhập bốn tỉnh ở đông nam Ukraine vào năm 2022 – dù Nga hiện đang kiểm soát một phần những khu vực này. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì việc không công nhận sáp nhập là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không hoàn toàn nhượng bộ trước những yêu sách của Nga, bất chấp các đàm phán hòa bình. Thứ hai, theo các bản tin rò rỉ, kế hoạch của Mỹ cũng không đồng ý với yêu cầu của Nga về việc giới hạn quy mô quân đội Ukraine sau khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết. Điều này có thể hiểu là Mỹ không chấp nhận việc Nga đặt điều kiện về việc giảm sức mạnh quân sự của Ukraine, điều mà Moscow đã yêu cầu trong các cuộc đàm phán trước đó.
Cho đến nay, chưa có ai ủng hộ các đề xuất của Mỹ. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã tuyên bố đất nước ông sẽ không bao giờ công nhận chính thức việc Nga chiếm đóng Crimea, điều này khiến ông Trump gọi ông là “kích động”. Nhưng Nga cũng chưa chấp nhận kế hoạch này: đặc phái viên của ông Trump – Steve Witkoff – sẽ sớm tới Moscow để cố gắng thuyết phục ông Putin chấp thuận.
Trong bối cảnh kế hoạch hòa bình cho Ukraine của Mỹ đang gặp phải sự phản đối từ nhiều phía, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Donald Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu quá trình đàm phán không đạt được kết quả. Liệu Mỹ có cắt viện trợ vũ khí cho Ukraine, chấm dứt việc chia sẻ tình báo quan trọng, hay thậm chí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga? Hơn nữa, có khả năng Mỹ sẽ cho phép các quốc gia châu Âu mua các hệ thống vũ khí như Patriot từ Mỹ để giúp Ukraine tự vệ. Mặc dù các câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời, nhưng chúng làm nổi bật sự bất định trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump, khi mà viễn cảnh Mỹ rút lui khỏi cuộc xung đột Ukraine ngày càng trở nên khả thi.
The Economist