Nhà đầu tư mạnh tay “xả hàng”, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nóng làm dấy lên lo ngại về những vấn đề cấu trúc sâu xa hơn trên thị trường trái phiếu

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang …
Khoảnh khắc lạc quan ngắn ngủi sau quyết định “xuống thang” trong cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng tan biến, khi thị trường tài chính chao đảo trở lại dưới áp lực mới. Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh đêm qua, xóa sạch phần lớn đà phục hồi ấn tượng của phiên trước đó. Không dừng lại ở đó, tâm lý e ngại rủi ro lan sang thị trường Châu Á sáng nay, tuy không đồng đều - Nhật Bản ghi nhận mức giảm sâu, Singapore giảm vừa phải, trong khi Hồng Kông và Trung Quốc tương đối ổn định. Nhìn chung, biến động mạnh và liên tục cho thấy thị trường toàn cầu khó có thể ổn định trở lại trong ngắn hạn.
Cục diện chiến tranh thương mại đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn. Mỹ xác nhận việc tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên 125% ngay sau khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 84%. Điều này đẩy tổng mức thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc lên con số đáng kinh ngạc 145%. Ở mức độ này, ý nghĩa của các con số thuế quan đã giảm đi đáng kể. Chính sách này báo hiệu sự tách rời về cấu trúc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, diễn biến đáng báo động nhất đang diễn ra trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ khi lợi suất kỳ hạn 10 năm lại vượt mốc 4.45% trong phiên Á. Sự đảo chiều mạnh mẽ này sau khoảng lặng ngắn ngủi khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức "thuế quan đối ứng cao hơn" với các đối tác thương mại khác ngoài Trung Quốc trong 90 ngày đang làm dấy lên lo ngại về những vấn đề cấu trúc sâu xa hơn trên thị trường trái phiếu. Những rắc rối của Kho bạc Mỹ đang được so sánh với “cuộc đua tìm tiền mặt” năm 2020 và cuộc khủng hoảng TPCP Anh năm 2022.
Về thị trường tiền tệ, xu hướng trú ẩn an toàn cũng được thể hiện rõ, nhưng USD lại không nằm trong số các lựa chọn. Mặt khác, CHF tăng lên mức cao nhất so với USD kể từ năm 2015, trong khi EUR và JPY cũng tăng mạnh. Nhìn chung, thị trường dường như đang trải qua một đợt “xả hàng” đồng bộ đối với tài sản Mỹ, khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, USD và cả TPCP.
Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago: Không có “bài học” nào cho cú sốc thuế quan, lộ trình lãi suất chưa chắc chắn nhưng có thể thấp hơn
Phát biểu vào đêm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Chi nhánh Chicago – Austan Goolsbee, cho biết không có gì là không thể, bao gồm cả việc tăng, giảm hoặc giữ nguyên lãi suất. Quy mô của những diễn biến thương mại gần đây đã tạo ra một cú sốc đình lạm, và “không có một ‘bài học’ nào” về cách ngân hàng trung ương nên phản ứng.
Goolsbee cũng nêu lên một thách thức quan trọng: dữ liệu được công bố hiện tại có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Đó là lý do tại sao ông tin rằng Fed phải theo dõi sát sao cả dữ liệu hoạt động kinh tế thực và những chỉ số khảo sát, đặc biệt khi các hiệu ứng trễ làm phức tạp việc diễn giải.
Mặc dù bất ổn liên quan đến thuế quan đang bủa vây, Goolsbee vẫn cho rằng lãi suất sẽ có xu hướng giảm trong vòng một đến hai năm tới. Song, ông nhấn mạnh rằng nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn bắt đầu lệch hướng, “bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng gần như phải ưu tiên giải quyết vấn đề đó… bất kể các điều kiện khác là gì.”
Chủ tịch Fed Chi nhánh Boston: Áp lực lạm phát do thuế quan có thể trì hoãn việc bình thường hóa chính sách hơn nữa
Chủ tịch Fed Chi nhánh Boston – Susan Collins, phát biểu đêm qua rằng việc giữ lãi suất ở mức hiện tại vào thời điểm này là “phù hợp” do “môi trường rất bất ổn.” Bà thừa nhận rằng “áp lực lạm phát mới” từ thuế quan có thể “trì hoãn việc bình thường hóa chính sách hơn nữa”. Song, Collins cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì niềm tin rằng thuế quan sẽ không đẩy lạm phát vượt tầm kiểm soát.
Bà nói thêm, bất kỳ “hành động phòng ngừa” nào để hỗ trợ tăng trưởng sẽ đòi hỏi một tín hiệu “thuyết phục” rằng hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh hơn dự kiến. Mặc dù tin rằng lạm phát sẽ dần trở lại mục tiêu 2%, bà thừa nhận lạm phát lõi có thể “vượt xa” mức 3% trong thời gian tới do chi phí nhập khẩu tăng. Do đó, bà cho rằng Fed phải duy trì cảnh giác để đảm bảo những áp lực này không trở nên dai dẳng.
Phân tích kỹ thuật USD/CHF
Xu hướng trong ngày của USD/CHF vẫn nghiêng về chiều giảm khi áp lực bán liên tục mạnh lên. Nếu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng này, một nhịp xuyên thủng ngưỡng Fibonacci mở rộng 161.8% (0.9196 - 0.8757- 0.8854) tại 0.8144 sẽ mở ra khả năng giảm sâu hơn về ngưỡng 200% tại 0.7976. Ở chiều tăng, một nhịp break-out kháng cự 0.8358 sẽ đưa xu hướng trong ngày trở về trạng thái trung lập và cặp tiền có thể sẽ bước vào giai đoạn củng cố trước khi tiếp tục giảm.
Đồ thị USD/CHF khung 4H
Xét trên bình diện rộng hơn, nhịp xuyên thủng đáy năm 2023 (0.8332) có thể xem là tín hiệu xác nhận cho sự tiếp diễn của xu hướng giảm dài hạn từ 1.0342 (đỉnh năm 2017). Mục tiêu tiềm năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8% (1.0146 - 0.8332 - 0.9196) tại 0.8075. Nếu tiếp tục phá qua mức này, khả năng cặp tiền sẽ tiếp tục hướng về ngưỡng 100% tại 0.7382.
Đồ thị USD/CHF khung 1D
Action Forex