Niềm tin vào đồng bạc xanh đang dần lung lay khi nhà đầu tư thẳng tay bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

Cổ phiếu, trái phiếu và USD đồng loạt giảm khi thuế quan đối ứng chính thức được áp dụng
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong hôm nay, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm khoảng 4%, nối tiếp đà giảm của Phố Wall và trùng khớp với đợt bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm đều tăng vọt khoảng 60 bps chỉ trong ba phiên giao dịch vừa qua. Đáng chú ý, lợi suất kỳ hạn 30 năm đã vượt mốc 5%, xác lập đỉnh mới của năm 2025. Biến động này đã làm dấy lên nghi ngờ về vai trò trú ẩn an toàn của cả thị trường TPCP Mỹ lẫn đồng bạc xanh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. USD cũng giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác như EUR, CHF và JPY, khiến chỉ số DXY trượt xuống dưới ngưỡng 102.00. Đợt bán tháo trên diện rộng, trong đó có cả cổ phiếu, trái phiếu và USD diễn ra ngay sau quyết định của Tổng thống Trump về việc áp đặt "thuế quan đối ứng" ở mức cao hơn, cùng với mức tăng 50% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này đã nâng mức thuế quan trung bình của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc lên khoảng 104%, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ đình lạm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù đồng bạc xanh suy yếu, Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp kỷ lục. USD/CNH có thời điểm chạm đỉnh 7.4273 nhưng sau đó đã hạ nhiệt về quanh mức 7.3800 khi USD suy yếu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục ấn định tỷ giá trung tâm USD/CNY ở mức 7.2066 trong ngày thứ năm liên tiếp. Sự suy yếu của Nhân dân tệ phản ánh những đồn đoán ngày càng gia tăng về khả năng Trung Quốc sẽ phá giá đồng nội tệ để đối phó với cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Tác động tiêu cực lan rộng đến các đồng tiền Châu Á khác và cả các đồng tiền Mỹ Latinh như Real Brazil (BRL) và Peso Chile (CLP), với mức giảm hơn 1% so với USD. Với bối cảnh này, biến động trên thị trường ngoại hối được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn, và JPY cùng CHF – hai đồng tiền trú ẩn an toàn truyền thống – được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá.
Diễn biến lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số S&P 500 từ đầu năm (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)
Lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng đã tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa và các đồng tiền thị trường mới nổi liên quan
Đồng tiền các thị trường mới nổi đồng loạt giảm mạnh từ đầu tháng đến nay, khi kế hoạch "thuế quan đối ứng" của Tổng thống Trump làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn. Kế hoạch "thuế quan đối ứng" của Tổng thống Trump, bao gồm áp dụng mức thuế cơ bản 10% với tất cả các đối tác thương mại và mức thuế cao hơn đối với 60 quốc gia "vi phạm nghiêm trọng", đã làm gia tăng đáng kể rủi ro suy giảm trong hoạt động thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu và sự mở rộng chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp càng củng cố thêm những rủi ro này. Các thị trường mới nổi, bao gồm cả những quốc gia Châu Á, sẽ phải đối mặt với một số mức "thuế quan đối ứng" cao nhất. Đối lập với đó, các nền kinh tế Mỹ Latinh chịu tác động nhẹ hơn, điển hình như Brazil và Chile chỉ phải chịu mức thuế 10%. Điều này cho thấy sự gián đoạn thương mại do thuế quan sẽ tác động mạnh hơn tới Châu Á, tiếp tục gây áp lực lên các đồng tiền trong khu vực. Hơn nữa, nó cũng làm dấy lên đồn đoán Trung Quốc có thể phá giá Nhân dân tệ thay vì ưu tiên ổn định tỷ giá. Một số nguồn tin còn cho biết, giới chức Trung Quốc đang cân nhắc triển khai các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy sức mua nội địa.
MUFG Research