Westpac IQ: Nỗi lo thuế quan “nhen nhóm” trở lại sau phát biểu của Chủ tịch ECB, “hất cẳng” kỳ vọng tích cực về chương trình chi tiêu tài khóa mở rộng tại Đức

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Nỗi lo về thuế quan lại trỗi dậy khi cả Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) – Christine Lagarde, đều bày tỏ niềm quan ngại sâu sắc về mức độ bất ổn gia tăng và những tác động tiêu cực tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế.
- BoE giữ nguyên lãi suất điều hành, tiếp tục nhấn mạnh cách tiếp cận “thận trọng và từng bước” trong việc nới lỏng chính sách.
- Chứng khoán toàn cầu nhìn chung giảm điểm, USD tăng nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) biến động trái chiều.
Sơ lược diễn biến thị trường
Khi mà thị trường vẫn đang phân tích kỹ lưỡng thông tin từ tuyên bố chính sách tiền tệ trước đó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), BoE cũng đã công bố quyết định chính sách của mình. Đúng như dự đoán, các nhà hoạch định chính sách tại Anh quyết định giữ nguyên lãi suất. Mặc dù vậy, với tỷ lệ bỏ phiếu 8-1 (ủng hộ giữ nguyên lãi suất) và thông điệp được truyền tải trong tuyên bố – nhấn mạnh cách tiếp cận “thận trọng và từng bước” đối với việc điều chỉnh chính sách giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu leo thang – cho thấy một lập trường phần nhiều còn cứng rắn. Phát biểu của Chủ tịch ECB Lagarde trước Nghị viện Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng cùng với chính sách thuế quan khó lường của Mỹ buộc các quan chức phải linh hoạt phản ứng trước những tác động kinh tế của chúng, đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ của ECB sẽ phụ thuộc nhiều vào dữ liệu.
Chứng khoán
Sau đà tăng đầu tuần, phần lớn các thị trường chứng khoán chủ chốt đều chững lại và quay đầu giảm điểm, khi những lo ngại về tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ, vốn đã được các ngân hàng trung ương cảnh báo trong những ngày gần đây, một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Chỉ số S&P 500 giảm 0.2% kể từ đầu tháng, nhưng vẫn giữ được sắc xanh tính từ đầu tuần. Nhìn sang thị trường Châu Á, Nikkei 225 giảm 0.2%, trong khi Hang Seng giảm tới 2.0%, có thể do giới đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng điểm ấn tượng trong những phiên gần đây. Mặt khác, chứng khoán Úc lại ghi nhận mức tăng 1.2% bất chấp số liệu việc làm gây thất vọng.
Ngoại hối
Chỉ số DXY phục hồi phiên thứ hai liên tiếp, vượt ngưỡng 104.00 trước khi đóng cửa tại 103.80, gần tương đương với mức cuối tuần trước. EUR/USD giảm chạm đáy mới trong tuần là 1.0850 khi thị trường dồn sự quan tâm vào tác động tiêu cực của thuế quan, đúng như những gì Chủ tịch Lagarde đã nhấn mạnh, hơn là vào chương trình chi tiêu tài khóa được mở rộng tại Đức. AUD/USD cũng suy yếu, giảm 0.8% và trở lại mức 0.6300.
Lợi suất
Lợi suất TPCP Mỹ ban đầu giảm, sau đó lại tăng trở lại gần mức đóng cửa của phiên trước đó. Ở một diễn biến khác, TPCP Anh (Gilts) bị bán tháo mạnh sau thông báo của BoE, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang. Lợi suất TPCP Úc giảm từ 4-6 bps trên toàn bộ kỳ hạn, phản ánh kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng ba lần trong năm nay.
Hàng hóa
Giá dầu thô tăng đáng kể sau thông tin về một vòng trừng phạt mới nhắm vào chuỗi cung ứng dầu của Iran và những báo cáo cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép buộc nước này hạn chế chương trình hạt nhân. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 4 tăng 1.6%, chốt phiên ở mức 68.30 USD/thùng. Giá quặng sắt vẫn giữ vững quanh mốc 100 USD/tấn nhờ những tín hiệu tích cực về nhu cầu thép tại Trung Quốc. Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới ở mức 3,057 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm qua trước khi thoái lui và đóng cửa tại 3,044 USD/ounce.
Nhìn lại cuộc họp của BoE
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã quyết định giữ nguyên chính sách tại cuộc họp tháng 3 với tỷ lệ bỏ phiếu áp đảo 8-1, chỉ có duy nhất một thành viên ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 25 bps. Tuyên bố chính sách của BoE cho biết “áp lực lạm phát và tiền lương trong nước đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao”, đồng thời nâng dự báo lạm phát CPI toàn phần lên khoảng 3.75%/năm trong Q3/2025, so với mức 3.0%/năm trước đó. Với dự báo lạm phát này, BoE tiếp tục khẳng định cách tiếp cận “thận trọng và từng bước”, ngụ ý rằng việc điều chỉnh chính sách sẽ được thực hiện một cách từ tốn, dựa trên tình hình tại từng cuộc họp và phụ thuộc chủ yếu vào các thông tin kinh tế mới nhất. Biên bản cuộc họp của MPC cũng lưu ý rằng rủi ro hiện nay đang ở thế cân bằng: một mặt, áp lực tăng trưởng tiền lương và lạm phát trong nước có thể dai dẳng hơn dự kiến; mặt khác, bất ổn gia tăng trên toàn cầu hoặc trong nước có thể khiến nhu cầu nội địa duy trì ở mức thấp trong thời gian dài hơn.
Dữ liệu thị trường lao động của Anh, cũng được công bố hôm qua, dường như phù hợp với cách tiếp cận thận trọng của MPC trong việc nới lỏng chính sách. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng thu nhập trung bình hàng tuần đã giảm đúng như dự báo trong tháng 1, từ 6.1% xuống 5.8% (tính trung bình 3 tháng), tuy nhiên vẫn ở mức rất cao, cho thấy áp lực lạm phát từ thị trường lao động vẫn còn đáng kể. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3 tháng giữ nguyên ở mức 4.4%, cao nhất trong vòng 12 tháng qua. Số việc làm mới trung bình 3 tháng cao hơn dự kiến, đạt 144,000 trong tháng 1, mặc dù gần một nửa mức tăng bất ngờ này đã bị phai nhạt bởi việc điều chỉnh giảm số liệu của tháng 12, từ 107,000 xuống 88,000.
Kinh tế Mỹ
Dữ liệu kinh tế được công bố tại Mỹ hôm qua không có nhiều điểm nhấn. Chỉ số triển vọng kinh doanh của Fed Philadelphia đã giảm trong tháng 3, từ 18.1 xuống 12.5. Gần đây, hầu hết các khảo sát khu vực đều cho thấy sự biến động mạnh qua các tháng, phản ánh mức độ bất ổn cao xoay quanh triển vọng kinh tế và sự khác biệt đáng kể về tình hình giữa các bang. Doanh số bán nhà hiện có tại Mỹ tăng 4.2% trong tháng 2, gần như bù đắp hoàn toàn cho mức giảm 4.7% của tháng trước đó. Mức hiện tại thấp hơn khoảng 34% so với đỉnh gần nhất vào đầu năm 2022. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ gần như không thay đổi trong tuần trước, ở mức 223,000, một con số rất thấp so với trung bình lịch sử.
Westpac IQ