Cuộc đấu trí tài khóa: Trump và Harris trước bài toán ngân sách quốc gia

Ngọc Lan
Junior Editor
Sau khi Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, giành lấy vị trí ứng cử viên Đảng Dân chủ. Chương trình chính sách kinh tế của bà được dự đoán sẽ là bản nâng cấp từ chính sách đi trước của Joe Biden, mặc dù có khả năng chính sách của bà sẽ có những ưu tiên mới mẻ và đột phá.

Tuy nhiên, con đường phía trước không hề dễ dàng. Chính quyền kế tiếp, dù là ai, cũng sẽ phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: dư địa để hành động bị thu hẹp đáng kể do tình hình ngân sách đang gặp khó khăn.
Phác thảo chương trình kinh tế của Harris:
Phó Tổng thống Harris đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đảng và số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ. Bà gần như chắc chắn sẽ được chính thức bổ nhiệm. Hiện còn quá sớm để nói liệu điều này có thay đổi vị thế dẫn đầu hiện tại của Donald Trump hay không. Phải vài tuần nữa, các cuộc khảo sát mới có thể cho chúng ta những nhận định đáng tin cậy.
Chương trình kinh tế của Harris có lẽ sẽ chủ yếu dựa trên nền tảng của chính quyền Biden. Bên cạnh đó, nhiều phát biểu của Kamala Harris trong những năm gần đây, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công năm 2020, cho thấy bà có những ý tưởng riêng. Những điểm chính có thể sẽ bao gồm:
- Giảm thuế cho người dân: Tiếp nối Biden, Harris dự kiến sẽ mở rộng chính sách giảm thuế cho mọi hộ gia đình có thu nhập dưới 400,000 USD mỗi năm. Theo ước tính của Ủy ban Ngân sách Liên bang (CRFB), chính sách này có thể tiêu tốn từ 1.6 đến 2.5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, tùy thuộc vào cấu trúc cụ thể. Ngược lại, các khoản giảm thuế cho nhóm thu nhập cao sẽ hết hạn vào cuối năm 2025 như dự kiến.
- Tăng thuế doanh nghiệp: Nhìn lại chiến dịch tranh cử năm 2020 của Harris, bà từng đề xuất tăng thuế suất từ 21% lên 35%, đưa mức thuế doanh nghiệp trở lại thời kỳ trước cải cách thuế của Trump. Tuy nhiên, một mức tăng mạnh như vậy có vẻ khó khả thi. Harris nhiều khả năng sẽ theo đề xuất của Biden, với mức tăng vừa phải lên 28%.
- Nhà ở giá rẻ: Đây là trọng tâm trong cương lĩnh của Harris năm 2020. Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở tại nhiều khu vực, đây được xem là rào cản lớn cho nền kinh tế. Harris đề xuất trợ cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp và hỗ trợ 100 tỷ USD giúp người dân khó khăn tiếp cận các khoản vay thế chấp. Gần đây, chính quyền Biden cũng đã đề xuất giới hạn mức tăng giá thuê nhà của các công ty bất động sản ở mức 5%.
- Chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế: Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế và hạn chế hơn nữa việc khai thác dầu khí bằng phương pháp fracking (thuỷ lực cắt phá). Điều này sẽ là một thay đổi so với chính sách của chính quyền Biden. Dù sao thì việc khai thác nhiên liệu hóa thạch đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các hạn chế mạnh mẽ có thể sẽ gặp phải sự phản đối từ một số bang sản xuất dầu do Đảng Dân chủ kiểm soát.
- Hạn chế thương mại quốc tế: Thuế quan tăng cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có khả năng sẽ được duy trì. Ngoài ra, việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc có thể sẽ bị hạn chế hơn nữa. Harris vốn không phải là người ủng hộ tự do thương mại; bà là một trong 10 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại việc điều chỉnh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được đàm phán dưới thời Trump. Bà cũng phản đối các hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù sao thì các hiệp định thương mại tự do mới sẽ không có nhiều tiến triển ở Mỹ; xu hướng chính trị đã thay đổi ở đây.
Nhưng không còn nhiều dư địa cho các kế hoạch tốn kém
- Bất kể ứng cử viên nào thắng cử vào tháng 11, tình hình ngân sách có thể sẽ hạn chế đáng kể dư địa hành động của chính quyền tiếp theo. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn và thách thức trong việc điều chỉnh chính sách ở Washington. Thực tế là trong những năm gần đây, không một ai quá quan tâm đến việc kiềm chế tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều tình huống khẩn cấp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, cùng với thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, kiềm chế tình trạng thâm hụt có thể hiểu là là một sự cân nhắc chính trị hợp lý.
- Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã xấu đi đáng kể. Dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) về thâm hụt trong 10 năm tới cho thấy rõ dư địa để hành động rất hạn hẹp. Dự báo này thậm chí còn giả định các điều kiện khá thuận lợi. Lý do là CBO tính toán dự báo dựa trên tình hình pháp luật hiện tại, theo đó các khoản giảm thuế thu nhập sẽ hết hạn hoàn toàn vào cuối năm 2025. Điều này sẽ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 1% GDP mỗi năm. Tuy nhiên, những khoản giảm thuế này có khả năng sẽ được gia hạn toàn bộ (ít nhất theo lời hứa của Trump) hoặc một phần (theo kế hoạch của Đảng Dân chủ).
- CBO giả định rằng thâm hụt có thể là 6.7% trong năm tài khóa 2024 hiện tại sẽ giảm nhẹ trong những năm từ 2026 (do tác động của việc tăng thuế thu nhập), nhưng sau đó lại tăng và cuối cùng đạt 7% (Biểu đồ 1) . Nói cách khác, hầu như không có sự cải thiện nào được kỳ vọng. Các chương trình mới sẽ làm tăng thêm mức thâm hụt vốn đã rất cao và làm suy yếu hơn nữa tính bền vững lâu dài của tài chính công.
Dự đoán thâm hụt ngân sách trong tương lai
Việc cắt giảm ngân sách lớn gần như không thể
- Tuy nhiên, hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có biện pháp đối phó để mở rộng dư địa để hành động trở lại. Lý do là một thỏa thuận lưỡng đảng hiếm hoi đã được đạt được, đó là thống nhất không cắt giảm chi tiêu cho An sinh xã hội, Bảo hiểm y tế cho người Mỹ cao tuổi, cựu chiến binh và quốc phòng. Lãi suất dù sao cũng không thể giảm được. Nếu tình hình này tiếp tục, hơn hai phần ba ngân sách sẽ an toàn khỏi bị cắt giảm. (Biểu đồ 2)
- Đối với một phần ba chi tiêu còn lại, Đảng Dân chủ có khả năng sẽ phản đối bất kỳ cắt giảm nào đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khoản mục ngân sách này bao gồm các khoản trợ cấp cho Medicaid - Bảo hiểm y tế cho người Mỹ nghèo, cũng như các khoản đồng chi trả (co-payments) cho Obamacare. Điều này có nghĩa là thêm 800 tỷ USD nữa sẽ được miễn trừ khỏi các khoản cắt giảm lớn. Và các khoản mục như trợ cấp nông nghiệp hay tài trợ công nghệ có lẽ cũng chỉ bị cắt giảm không đáng kể. Nói cách khác: việc tái cơ cấu ngân sách khó có thể thành công bằng cách cắt giảm.
Bài toán cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ
Khả năng tăng thuế dường như bị hạn chế
- Nếu không thể cắt giảm chi tiêu, giải pháp hiển nhiên là tăng thuế. Vấn đề là hầu như không có đa số người ủng hộ điều này: Việc tăng mọt mức thuế lớn dưới chính quyền Trump là khó xảy ra. Và chính quyền Harris cũng không thể trông đợi một phiếu ủng hộ nào từ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội cho việc tăng thuế. Do đó, Đảng Dân chủ sẽ phải giành được đa số ghế ở cả hai viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 11. Điều này có vẻ không khả thi. Lý do là có nhiều thượng nghị sĩ Dân chủ hơn Cộng hòa phải tái tranh cử, và với đa số mong manh hiện tại, Đảng Dân chủ sẽ phải bảo vệ tất cả các ghế này. Theo các cuộc thăm dò, điều này khó có thể xảy ra. Ở Hạ viện, Đảng Cộng hòa hiện đang được ưa chuộng hơn một chút. Tuy nhiên, đa số mỏng manh cũng khó đủ cho các dự án gây tranh cãi như tăng thuế quy mô lớn, vì dự kiến sẽ có những người bất đồng từ chính nội bộ đảng - điều này đã từng phá hỏng một số kế hoạch của Tổng thống Biden.
Và vấn đề sẽ không tự giải quyết
- Hy vọng còn lại là nền kinh tế sẽ bùng nổ. Dù sao, một sự bùng nổ như vậy đã từng giúp củng cố ngân sách trong nửa cuối những năm 1990. Giữa năm 1994 và 2001, nền kinh tế đã tăng trưởng 4% mỗi năm theo giá trị thực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng như vậy không thực tế trong tương lai gần. CBO dự báo tăng trưởng trung bình 1.9% mỗi năm từ 2024 đến 2034. Trí tuệ nhân tạo có thể trở thành động lực tăng trưởng. Dù sao, sự hấp dẫn trong lĩnh vực này đã dẫn đến đầu tư đáng kể vào các trung tâm dữ liệu và nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, những tác động tích cực có thể có từ hướng này có thể bị lấn át bởi các ảnh hưởng tiêu cực, chẳng hạn như chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phổ biến. Do đó, khó có khả năng Mỹ sẽ thoát khỏi các vấn đề ngân sách thông qua tăng trưởng.
Việc điều hành đất nước sẽ trở nên khó khăn hơn
- Các chính quyền (Trump và Biden) đã thực hiện các ưu tiên của họ bằng một loạt biện pháp cực kỳ tốn kém và đã giảm nhẹ các khó khăn kinh tế bằng lượng tiền lớn. Cả hai đảng đều đã tái khám phá chính sách công nghiệp và cũng đã chi tiêu nhiều tiền cho việc này. Dự án trọng điểm của chính quyền Biden - "Đạo luật Giảm lạm phát" (về cơ bản là một chương trình trợ cấp cho công nghệ thân thiện với môi trường hơn) - và các chương trình mở rộng cơ sở hạ tầng và sản xuất chất bán dẫn sẽ tốn kém hơn trong nhiều năm tới.
- Dự kiến sẽ có sự gia tăng đáng kể trong ngân sách quốc phòng trong những năm tới do căng thẳng chính trị toàn cầu (mặc dù đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, hiện tại con số này chỉ chiếm 3.2% GDP, một con số rất thấp trong so sánh dài hạn).
- Do những diễn biến này và thực tế đã nêu ở trên rằng việc cắt giảm chi tiêu quy mô lớn hoặc tăng thuế đáng kể hầu như không khả thi về mặt chính trị, mức thâm hụt có khả năng sẽ còn vượt xa dự báo của CBO. Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng xoay xở trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình hình hiện nay còn cam go hơn so với năm 2019 (khi thâm hụt ở mức 4.6% và nợ công ở mức 80% - những con số đã rất cao đối với một nền kinh tế có tỷ lệ việc làm đầy đủ). Nguy cơ Mỹ tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm đang gia tăng. Do đó, nhiều dự án đề xuất có thể sẽ thất bại vì tình hình ngân sách. Để chứng minh khả năng hành động, chính quyền Harris có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào các biện pháp quy định ít tốn kém hơn. Harris đã từng vận động mạnh mẽ cho các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian bà làm việc tại California.
Commerzbank