Đồng Yên ổn định nhờ giọng điệu cứng rắn của BoJ, USD/JPY chững lại tại mốc 150.00; quan chức ECB vẽ nên một bức tranh đầy bi quan về bối cảnh toàn cầu hiện tại

Đồng Yên ổn định nhờ giọng điệu cứng rắn của BoJ, USD/JPY chững lại tại mốc 150.00; quan chức ECB vẽ nên một bức tranh đầy bi quan về bối cảnh toàn cầu hiện tại

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:53 25/03/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Dễ thấy, thị trường tài chính bước vào phiên giao dịch hôm nay với tâm lý thận trọng, đặc biệt là phiên Á diễn ra khá ảm đạm. Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục nhẹ trong đêm qua nhờ những đồn đoán rằng phạm vi áp dụng thuế quan "Ngày Giải phóng" (02/04) có thể hẹp hơn dự kiến, nhưng tâm lý lạc quan này không lan tỏa mạnh mẽ sang Châu Á. Các chỉ số chứng khoán trong khu vực này biến động trái chiều, phản ánh sự dè dặt thường trực của giới đầu tư. Về thị trường tiền tệ, các cặp tiền chính tiếp tục dao động trong biên độ hẹp của ngày hôm trước, phần nào phản ánh trạng thái tâm lý chờ đợi và quan sát của đa số nhà giao dịch.

Đồng Yên đang cho thấy dấu hiệu phục hồi nhẹ sau phiên bán tháo hôm qua, một phần nhờ những tín hiệu hỗ trợ từ biên bản cuộc họp tháng 1 mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), khi họ tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Dẫu vậy, những biến động bên ngoài – đặc biệt là bất ổn thương mại toàn cầu và chính sách thuế quan của Mỹ – đang khiến lộ trình chính sách của BoJ trở nên kém rõ ràng, buộc ngân hàng trung ương này phải thận trọng hơn trong những tháng tới.

Đến với phiên Âu, dữ liệu môi trường kinh doanh Ifo của Đức sẽ là tâm điểm chú ý. Song, phần lớn sự lạc quan xoay quanh kế hoạch mở rộng tài khóa của Đức dường như đã được phản ánh vào giá. Do đó, trừ phi có những tín hiệu tích cực bất ngờ, báo cáo này khó có thể tạo ra nhiều biến động trên thị trường.

Cuối ngày, số liệu niềm tin người tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố. Dự kiến, chỉ số này sẽ tiếp tục giảm, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của các biện pháp thuế quan đối ứng. Mặc dù vậy, sự sụt giảm niềm tin đã không còn quá xa lạ, và tác động lên thị trường có thể sẽ hạn chế, trừ khi mức giảm sâu hơn đáng kể so với dự kiến.

Điều mà các nhà đầu tư thực sự quan tâm là những chi tiết cụ thể về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến được công bố vào tuần tới. Cho đến lúc đó, thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và chịu sự chi phối của các tin tức liên quan. Vì lẽ đó, trước thềm một thông báo chính sách quan trọng như vậy, sự thận trọng của các nhà giao dịch là điều dễ hiểu. Điều này đã giúp hạn chế biến động, ngay cả khi rủi ro tiềm ẩn vẫn hiện hữu.

Về mặt kỹ thuật, tâm điểm hiện nay là USD/JPY, vốn đã mở rộng đà phục hồi từ đáy ngắn hạn 146.52 trong tuần này. Song, vùng kháng cự mạnh được hợp thành bởi ngưỡng 150.92 và đường EMA 55 ngày (ở mức 151.08 tại thời điểm viết bài) trước mắt sẽ hạn chế đà tăng. Nếu cặp tiền này vượt qua vùng kháng cự nêu trên một cách dứt khoát, nhịp giảm từ 158.86 có thể xem là đã kết thúc, mở ra triển vọng lạc quan hơn trong ngắn hạn với đà phục hồi mạnh mẽ. Biến động tiếp theo của cặp tiền sẽ quyết định xu hướng chung của JPY trên thị trường.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Biên bản họp của BoJ báo hiệu sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu triển vọng kinh tế vẫn tích cực

Biên bản cuộc họp ngày 23-24/01 của BoJ cho thấy sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà hoạch định chính sách rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa là phù hợp, với điều kiện triển vọng kinh tế và lạm phát hiện tại được duy trì.

Mặc dù BoJ đã nâng lãi suất chính sách lên 0.5%, các thành viên thừa nhận lãi suất thực vẫn ở mức âm đáng kể, đảm bảo duy trì các điều kiện tài chính nới lỏng, tuy nhiên con đường phía trước vẫn còn nhiều bất ổn do những diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Mặc dù BoJ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần nhất vào tuần trước, họ cũng cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng từ việc leo thang căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan của Mỹ.

Song, Thống đốc Kazuo Ueda nhấn mạnh rằng tăng trưởng tiền lương mạnh hơn dự kiến và lạm phát giá lương thực dai dẳng có thể kéo theo áp lực lạm phát chung, cho thấy khả năng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Quan chức Fed hạ dự báo cắt giảm lãi suất, đồng thời cảnh báo nguy cơ lạm phát từ thuế quan

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Atlanta – Raphael Bostic cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng ông hiện dự đoán sẽ chỉ có một lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, so với dự đoán trước đó là hai lần.

Bostic giải thích sự thay đổi này là do quan điểm của ông rằng lạm phát sẽ biến động thất thường và khó có thể giảm mạnh về mục tiêu 2% một cách nhanh chóng. Với việc lạm phát khó có thể trở lại mục tiêu cho đến năm 2027, ông tin rằng lộ trình đưa lãi suất về mức trung lập cũng cần phải được điều chỉnh.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ lo ngại về tác động của việc tăng thuế quan đối với lạm phát. Mặc dù các biện pháp này thường được cho là chỉ gây ra đợt tăng giá một lần, ông nhận định môi trường hiện tại có thể khác. Cụ thể, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể đã quen với mức lạm phát cao sau đại dịch, khiến cho việc tăng giá có thể kéo dài hơn. Ông lưu ý rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay tự tin về khả năng chuyển toàn bộ chi phí tăng thêm sang cho khách hàng mà không lo ngại về việc mất thị phần.

Thống đốc BoE kêu gọi hợp tác thương mại và coi AI là chất xúc tác tăng trưởng

Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong bài phát biểu của mình đã nêu bật những gián đoạn do chính sách thương mại của Tổng thống Trump gây ra, đồng thời nhấn mạnh rằng việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi một khuôn khổ đa phương thay vì áp đặt thuế quan song phương.

Với giọng điệu lạc quan hơn, Bailey cũng nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) là một động lực chuyển đổi đối với Vương quốc Anh và nền kinh tế toàn cầu. So sánh AI với điện lực vào đầu thế kỷ 20, ông cho rằng công nghệ này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người một cách đáng kể trong tương lai. Ông kêu gọi hỗ trợ chính sách để tạo điều kiện cho sự phát triển của AI như một "công nghệ đa năng tiềm năng", có thể mang lại lợi ích kinh tế rộng rãi trong những năm tới.

Quan chức ECB cảnh báo về những bất ổn đến mức cực đoan và rủi ro đi chệch mục tiêu tăng trưởng

Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) người Tây Ban Nha – Jose Luis Escriva, trong bài phát biểu hôm qua đã nhấn mạnh rằng "rủi ro tăng trưởng đang nghiêng về tiêu cực nhiều hơn là tích cực." Mặc dù thừa nhận chính sách tài khóa mở rộng có thể mang lại một số tác động tích cực trong ngắn hạn, nhưng ông nhấn mạnh rằng những rủi ro lớn hơn, đặc biệt là theo chiều hướng tiêu cực, đang chi phối triển vọng kinh tế.

Escriva đã vẽ nên một bức tranh đầy bi quan về bối cảnh toàn cầu hiện tại, mô tả nó là "cực kỳ bất ổn." Ông lưu ý rằng mức độ bất ổn trên toàn cầu hiện nay là cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu được ghi nhận, vượt qua giai đoạn đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, vụ tấn công khủng bố ngày 11/09, và thậm chí cả đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Mặc dù kịch bản tồi tệ nhất với những gián đoạn nghiêm trọng vẫn chưa xảy ra, ông nhấn mạnh rằng ECB phải "sẵn sàng hơn bao giờ hết" để điều chỉnh dự báo và hành động kịp thời nếu tình hình thay đổi.

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ