Triển vọng kinh tế 2025: Kinh tế toàn cầu vững vàng giữa làn sóng giảm tốc từ Trung Quốc (Phần 2)

Ngọc Lan
Junior Editor
Thị trường ngoại hối năm 2025 dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các chính sách hậu bầu cử Mỹ. Song song với điều này, các yếu tố nền tảng truyền thống của thị trường như sự khác biệt về chu kỳ kinh tế, chính sách tiền tệ và định giá cũng đóng vai trò then chốt.
Thị trường ngoại hối
Bộ phận nghiên cứu của J.P. Morgan thể hiện lập trường bullish về đồng USD, dự báo đồng USD có thể chinh phục những đỉnh cao mới trong các tháng sắp tới. Bà Meera Chandan, đồng Giám đốc Chiến lược Ngoại hối Toàn cầu tại J.P. Morgan, phân tích: "Kết quả bầu cử tháng 11 đã tạo nên bộ ba yếu tố hoàn hảo thúc đẩy xu hướng tăng của đồng USD bao gồm: dự báo tăng trưởng toàn cầu suy giảm, khoảng cách chênh lệch tăng trưởng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới ngày càng rộng, cùng với kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang cao hơn trong năm 2025. Tuy đây mới chỉ là những phản ứng ban đầu và có thể thay đổi khi bộ chính sách đầy đủ của chính quyền Trump được công bố vào năm tới, nhưng hiện tại, chúng tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược duy trì vị thế long đồng USD trong quý I/2025."
Trái ngược với USD, triển vọng của đồng EUR không mấy khả quan, đặc biệt khi khu vực Eurozone đang rất nhạy cảm với các tranh chấp thương mại. Bà Chandan nhận định: "Chúng tôi dự báo tỷ giá EUR/USD có thể về ngang bằng trong quý I/2025 khi thị trường định giá đầy đủ hơn các rủi ro từ thuế quan." Tuy nhiên, tỷ giá EUR/USD vẫn có cơ hội phục hồi lên mức 1.08 vào cuối năm nhờ một số yếu tố tích cực như việc cắt giảm thuế quan, những tiến triển tích cực trong việc giải quyết xung đột Nga - Ukraine và đà tăng trưởng của Mỹ chậm lại.
Dù đồng GBP đã thể hiện phong độ ấn tượng nhất so với USD trong năm 2024, khó có khả năng màn trình diễn xuất sắc này sẽ lặp lại trong năm tới. Dự báo cho thấy tỷ giá GBP/USD sẽ giảm xuống mức 1.21 trong quý I/2025 trước khi hồi phục lên 1.32 vào tháng 12. "Nhìn chung, các rủi ro đối với đồng GBP từ tăng trưởng kinh tế Anh suy yếu và khả năng BoE nới lỏng chính sách sẽ được bù đắp bởi khả năng chống chịu tốt trước rủi ro thuế quan và mặt bằng lợi suất vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2025. Điều này khiến đồng GBP nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp, mang lại suất sinh lời khiêm tốn hơn so với những năm gần đây," bà Chandan nhận xét.
Tại châu Á, J.P. Morgan ghi nhận một số xu hướng đáng chú ý về tỷ giá USD/JPY trong năm 2025, với đồng Yên Nhật có thể tìm được điểm đáy sau 4 năm liên tiếp kém hiệu quả. "Mặc dù sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản cho thấy tỷ giá USD/JPY có thể giảm nhẹ, mức giảm này không đủ mạnh để tạo nên sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ cấu như tăng trưởng năng suất yếu của Nhật Bản và lãi suất thực âm tiếp tục kìm hãm đà tăng của đồng Yên," bà Chandan phân tích. "Hơn nữa, cả nhà hoạch định chính sách Mỹ và Nhật Bản đều không muốn chấp nhận một đồng Yên quá yếu. Nếu đồng Yên tiếp tục mất giá, chúng ta có thể thấy thêm những động thái can thiệp mua yên hawkish." Dựa trên các yếu tố trên, J.P. Morgan Research dự báo tỷ giá USD/JPY sẽ đạt mức 152 trong quý I/2025 và 148 trong quý IV/2025.
Triển vọng thị trường mới nổi 2025
Ông Luis Oganes, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Toàn cầu tại J.P. Morgan cảnh báo: "Các thị trường mới nổi trong năm 2025 đang đứng trước những bất định đáng kể khi bị kẹp giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Đáng chú ý, những thay đổi chính sách từ phía Mỹ có thể tạo ra cú sốc cung tiêu cực mạnh, gây hiệu ứng dây chuyền trên toàn bộ thị trường mới nổi."
Mặc dù áp lực lạm phát tại các thị trường mới nổi được dự báo sẽ dịu bớt nhờ lạm phát dịch vụ hạ nhiệt, giá hàng hóa thiết yếu có thể đối mặt với đợt tăng tạm thời do tác động kép từ thuế quan và sự mất giá của đồng nội tệ. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương tại các thị trường này sẽ phải đối diện với thách thức kép: vừa phải thích ứng với biến động từ điều kiện tài chính Mỹ, vừa phải cân bằng giữa mục tiêu ổn định tài chính và việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên tăng trưởng - xuất phát từ tâm lý thị trường suy yếu và dòng chảy thương mại toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, với tăng trưởng nội địa dự kiến yếu đi cùng dư địa lãi suất dồi dào, khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng trong năm 2025 vẫn còn nguyên.
"Khi xem xét toàn bộ các yếu tố tác động đan xen, dự báo cơ sở của chúng tôi cho thấy đà tăng trưởng của khối thị trường mới nổi sẽ chậm lại, từ 4,1% trong năm 2024 xuống còn 3,4% trong năm 2025. Đáng chú ý, nếu không tính Trung Quốc, mức giảm này sẽ nhẹ nhàng hơn, từ 3,4% xuống 3,0%," ông Oganes phân tích thêm.
Chi tiết theo khu vực:
Châu Á mới nổi: Khu vực này có nguy cơ cao trở thành tâm điểm chịu tác động nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát trong năm 2025. Trong kịch bản này, J.P. Morgan Research dự báo tăng trưởng GDP khu vực có thể chậm lại còn 4%.
Khối EMEA mới nổi (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi): Dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng, tốc độ được dự báo sẽ chậm lại và đối mặt nhiều rủi ro giảm. Ông Oganes giải thích: "Bất chấp triển vọng tăng trưởng kém tích cực, chúng tôi nhận thấy nhiều quốc gia buộc phải trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất do áp lực lạm phát cốt lõi vẫn dai dẳng ở mức cao, cùng với đó là các rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng."
Mỹ Latinh: Tăng trưởng GDP khu vực trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt trội so với năm 2024, phần lớn nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Argentina. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát vượt mục tiêu nhiều khả năng sẽ buộc các nước duy trì lãi suất cao và thắt chặt chính sách tài khóa, trong khi các thách thức tài khóa trung hạn vẫn còn đó chưa được giải quyết triệt để.
Triển vọng thị trường hàng hóa 2025
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump được dự báo sẽ mang theo một nghị trình tập trung với cam kết mạnh mẽ về việc "kiềm chế lạm phát một cách nhanh chóng, hạ nhiệt giá cả và khơi dậy tăng trưởng kinh tế bùng nổ." Trọng tâm chiến lược của ông chủ yếu nhắm vào việc hạ giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu. Trong kịch bản này, chính sách phi quy định hóa cùng với việc đẩy mạnh sản lượng của Mỹ có thể tạo áp lực giảm giá dầu, trong khi rủi ro tăng giá đến từ khả năng gây sức ép lên Iran, Venezuela và có thể cả Nga nhằm hạn chế xuất khẩu và nguồn thu từ dầu mỏ. Tuy nhiên, các yếu tố cung-cầu cơ bản đang yếu có thể hỗ trợ ông Trump thực hiện được cam kết hạ giá dầu.
J.P. Morgan Research vẫn giữ nguyên quan điểm so với năm trước, dự báo thị trường sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng trong năm 2024 sang thặng dư đáng kể vào năm 2025. Bà Natasha Kaneva, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu của J.P. Morgan nhận định: "Chúng tôi dự kiến mức thặng dư lớn 1,3 triệu thùng/ngày với giá dầu Brent trung bình đạt 73 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu có thể sẽ kết thúc năm ở mức dưới 70 USD, với WTI dao động quanh ngưỡng 64 USD/thùng. Điều quan trọng cần lưu ý là những dự báo này được đưa ra với giả định OPEC+ duy trì sản lượng ở mức hiện tại."
Trong lĩnh vực khí tự nhiên, cả thị trường châu Âu và Mỹ được dự đoán sẽ duy trì trạng thái cân bằng tương đối (sau khi điều chỉnh theo yếu tố thời tiết) cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng về tăng trưởng nguồn cung. Bà Shikha Chaturvedi, Giám đốc Chiến lược Khí tự nhiên và LNG Toàn cầu tại J.P. Morgan phân tích: "Đối với thị trường khí tự nhiên châu Âu, với nhu cầu nền tảng đang gia tăng trên toàn cầu, sự tăng trưởng về nguồn cung có thể phải đợi đến giữa năm 2026. Trong khi đó, thị trường khí tự nhiên Mỹ có thể chứng kiến sự thay đổi sớm hơn vào cuối năm 2025, khi hệ thống đường ống dẫn khí được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển khí đốt từ các vùng sản xuất đến các khu vực có nhu cầu cao ở vịnh Mexico."
Xu hướng tăng giá của kim loại quý được dự báo sẽ tiếp tục duy trì, với nguồn cung hạn chế đang tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng giá kim loại cơ bản vào cuối năm 2025. Ông Gregory Shearer, Giám đốc Chiến lược Kim loại Cơ bản và Quý kim tại J.P. Morgan chia sẻ: "Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực dài hạn về vàng, khi các kịch bản kinh tế vĩ mô khả thi nhất trong năm 2025 vẫn ủng hộ xu hướng tăng giá của kim loại này. Dự báo của chúng tôi cho thấy giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/oz trong năm tới."
Về triển vọng bạc, ông Shearer bổ sung: "Thời điểm bạc bứt phá sẽ đến sau khi kim loại cơ bản tìm được đáy vào đầu năm 2025. Chúng tôi dự đoán một làn sóng giao dịch bắt đáy sẽ đẩy giá bạc lên mức 38 USD/oz vào cuối năm."
Trên thị trường nông sản, mức tồn kho thấp kỷ lục trên phạm vi toàn cầu tiếp tục là rào cản giảm thiểu rủi ro sụt giá trong năm 2025. Tuy nhiên, thị trường có thể đối mặt với biến động mạnh hơn. Bà Tracey Allen, chuyên gia chiến lược hàng hóa nông nghiệp tại J.P. Morgan nhấn mạnh: "Các yếu tố về thương mại Mỹ, chính sách đối ngoại và diễn biến địa chính trị rộng lớn sẽ làm phức tạp hóa cán cân cung-cầu giai đoạn 2025/26, với những tác động trực tiếp và nhanh chóng hơn lên giá cả. Chúng tôi kỳ vọng một môi trường giá cả biến động cao cho hàng hóa nông nghiệp trong giai đoạn 2025-2026, đặc biệt là đối với các thị trường có độ nhạy cảm cao với thương mại như đậu nành, ngô, bông và lúa mì của Mỹ."
JP Morgan