Westpac IQ - Điểm nóng 24h: Chứng khoán, câu chuyện lãi suất, ngoại hối, hàng hóa và nhịp đập vĩ mô

Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất thêm 25 bps đúng như dự kiến, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) mạnh tay hơn với 50 bps. Giờ đây, thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp cuối cùng trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, và dựa trên kỳ vọng chung, khả năng cao sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất 25 bps. Tuy nhiên, trọng tâm sẽ nằm ở định hướng của Fed và liệu báo cáo PPI của Mỹ cao hơn dự kiến có khiến ngân hàng trung ương này củng cố lập trường thận trọng, nêu bật tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai hay không.
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ khi đà tăng đầu phiên phai nhạt hậu công bố dữ liệu PPI cao hơn dự báo. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ và chỉ số DXY đều tăng.
AUD/USD đã đảo ngược đà tăng hậu công bố báo cáo việc làm. Lợi suất TPCP Úc tiếp tục nhích nhẹ trong đêm. Khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc cắt giảm lãi suất vào tháng 02/2025 đã giảm từ mức 66% trước thềm công bố báo cáo việc làm xuống còn khoảng 50%. Mặt khác, thị trường gần như chắc chắn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 05/2025.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ sau khi dữ liệu PPI cao hơn dự kiến kích hoạt một đợt bán tháo. Kết phiên, chỉ số Nasdaq, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0.7%, 0.6% và 0.4%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán Châu Âu tăng nhẹ sau khi ECB công bố quyết định cắt giảm lãi suất và báo hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025. Chỉ số Euro Stoxx 50, DAX (Đức) và FTSE 100 (Anh) đều đóng cửa tăng 0.13% trong một phiên giao dịch đầy biến động.
Ở một diễn biến khác, chỉ số ASX 200 (Úc) ghi nhận phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp với 0.3%. Chỉ số này đã đánh mất đà tăng ban đầu sau khi báo cáo thị trường lao động trong nước mạnh hơn dự kiến, làm giảm khả năng RBA hạ lãi suất vào tháng 02/2025. Đáng chú ý, 9/11 nhóm ngành chính đóng cửa trong sắc đỏ, dẫn đầu là các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như bất động sản.
Lợi suất
TPCP Mỹ bị bán tháo sau khi dữ liệu PPI được công bố. Lợi suất kỳ hạn 2 năm (vốn nhạy cảm hơn với những thay đổi chính sách) tăng 4 bps lên 4.14%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 6 bps lên 4.33%. Hiện tại, thị trường đang định giá với xác suất 95% rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp vào ngày 18/12. Ngoài ra, thị trường cũng dự đoán tổng mức cắt giảm 78 bps cho đến cuối năm 2025, thấp hơn một chút so với con số 82 bps của tuần trước.
Đà bán tháo TPCP Úc tiếp tục diễn ra trên thị trường tương lai trong phiên giao dịch đêm qua. Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm nhích nhẹ 1 bps lên 3.86%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.31%. Bên cạnh đó, lợi suất TPCP Úc kỳ hạn 3 năm đã tăng đến 11 bps sau báo cáo việc làm hôm qua, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 8 bps.
Lợi suất TPCP Châu Âu giảm trên toàn bộ kỳ hạn. Điển hình, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Anh và Đức giảm lần lượt 5 bps và 7 bps. Sau khi ECB công bố quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps, thị trường đã định giá thêm 5 lần nữa trong năm 2025.
Ngoại hối
Chỉ số DXY tiếp đà tăng, vượt mốc 107.00, nhờ lực đẩy từ lợi suất trái phiếu. Định hướng của Fed sau cuộc họp cuối cùng trong năm vào tuần tới sẽ là yếu tố then chốt quyết định mức độ hỗ trợ mà đồng bạc xanh nhận được trong ngắn hạn. Những dữ liệu gần đây có thể khiến Fed củng cố cách tiếp cận thận trọng, từ đó hỗ trợ cho đồng bạc xanh.
AUD/USD nhìn chung không đổi. Cặp tiền này tăng chạm mức cao 0.6430 hậu báo cáo việc làm, sau đó chững lại trong phiên Mỹ khi sự chú ý chuyển sang dữ liệu PPI. Mặt khác, AUD mạnh lên so với một số đồng tiền khác, điển hình như tăng 0.5% - GBP và 0.3% - NZD. Nhìn chung, AUD vẫn dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong khẩu vị rủi ro và các dữ liệu thực tế yếu hơn, tuy nhiên, việc Trung Quốc đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế và thị trường lao động Úc vẫn duy trì khả năng phục hồi là những yếu tố bù đắp cho điều đó.
Yên Nhật tiếp tục suy yếu, góp phần đẩy USD/JPY tăng 0.1% lên 152.65. Hiện tại, thị trường đang định giá xác suất 15% rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng này, bên cạnh một động thái tương tự được kỳ vọng cao vào tháng 05/2025. EUR/USD biến động tương đối mạnh sau khi ECB công bố quyết định cắt giảm lãi suất và vẫn tiềm ẩn rủi ro suy giảm do bất ổn chính trị và tín hiệu nới lỏng chính sách hơn nữa từ ECB.
Hàng hóa
Thị trường dầu mỏ nhìn chung đi ngang khi giá dầu thô thu hẹp đà giảm, bất chấp cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tình trạng dư cung vào năm 2025. Cam kết của các quan chức Trung Quốc về việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kéo dài hai ngày tại Bắc Kinh đã giúp cải thiện tâm lý thị trường. Giá dầu thô WTI và Brent giảm khoảng 0.4% trong phiên hôm qua, đóng cửa ở mức lần lượt là 69.94 và 70.03 USD/thùng. Giá quặng sắt tăng 1.4% lên 104.60 USD/tấn sau cam kết của các quan chức Trung Quốc.
Nhịp đập vĩ mô
Úc
Báo cáo việc làm tháng 11 mang đến một số bất ngờ đáng chú ý, một phần do yếu tố mùa vụ. Cục Thống kê Úc (ABS) lưu ý trong thông cáo báo chí: “Trong tháng 11, số lượng lao động chuyển sang trạng thái có việc làm cao hơn bình thường, chủ yếu là do những người đã được tuyển dụng trong tháng 10 nhưng đến tháng 11 mới bắt đầu làm việc.” Song, có nguy cơ điều này sẽ đảo ngược trong tháng 12. Do đó, chúng tôi đánh giá kết quả này nhìn chung vẫn phù hợp với xu hướng “bình thường hóa” của thị trường lao động.
Báo cáo cho thấy, tổng số việc làm tăng 35,600 (0.2%) trong tháng 11. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng việc làm hiện tại đang chậm lại sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong Q3. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong ba tháng gần nhất đã giảm từ mức 4.4% ghi nhận hồi tháng 9 xuống còn 3.0% hiện tại. Mức tăng việc làm hàng tháng đã vượt nhẹ tăng trưởng dân số, dẫn đến tỷ lệ việc làm/dân số tăng nhẹ, đủ để làm tròn lên 64.4% (từ 64.33% lên 64.36%).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm từ 67.1% xuống 67.0%, đồng nghĩa với lượng lao động chỉ tăng thêm 8,600 người – mức tăng nhỏ nhất được ghi nhận trong năm nay. Về cơ bản, có rất ít người mới gia nhập lực lượng lao động trong tháng 11, nghĩa là các nhà tuyển dụng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu lao động của họ thông qua những người tìm việc hiện có, vốn được phân loại là thất nghiệp trong tháng 10.
Kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh trong tháng 11, từ 4.1% xuống 3.9%, khác xa mọi dự báo. Điều này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp nhạy cảm như thế nào với nguồn cung lao động. Nếu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữ nguyên như tháng 10 – theo dự báo đồng thuận – thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ nguyên ở mức 4.1%.
Mỹ
Chỉ số PPI gây bất ngờ khi tăng 0.4% trong tháng 11, nối tiếp mức tăng 0.3% của tháng 10 (đã được điều chỉnh lên từ con số 0.2% trước đó). Tuy nhiên, những kết quả này là do chi phí lương thực và năng lượng, với lạm phát PPI lõi đúng như dự kiến ở mức 0.2% so với tháng trước. Lạm phát PPI toàn phần và lõi so với cùng kỳ tăng lần lượt là 3.0% và 3.4%. Về dữ liệu thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng từ 225,000 lên 242,000 trong tuần trước, tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp so với lịch sử.
Trung Quốc
Các nhà hoạch định chính sách báo hiệu sẽ tăng vay nợ và chi tiêu công trong năm 2025, đồng thời chuyển trọng tâm chính sách sang tiêu dùng. Các quan chức cấp cao, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã tuyên bố sẽ nâng mục tiêu bội chi ngân sách trong năm tới, theo thông báo được đưa ra sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kéo dài hai ngày tại Bắc Kinh. Các nhà hoạch định chính sách cũng cam kết củng cố mạng lưới an sinh xã hội với những lời hứa chung chung về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe và lương hưu.
Eurozone
ECB đã cắt giảm lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp hôm qua đúng như kỳ vọng chung. Bên cạnh đó, dự báo lạm phát được đưa ra từ phía ngân hàng trung ương này khá tự tin: “Lạm phát toàn phần dự kiến sẽ tăng trung bình 2.4% trong năm 2024, đạt mức lần lượt 2.1%, 1,9% và 2.1% trong ba năm tới”.
Sự dai dẳng của lạm phát nội địa được cho là hệ quả từ câu chuyện trong quá khứ, chứ không phải do áp lực cung cầu hiện tại. Điều đó khiến ECB tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn, với dự báo mức tăng trưởng bất ngờ hồi Q3 sẽ được tiếp nối bởi một Q4 ảm đạm, ít nhất là một phần do chính sách vẫn còn thắt chặt và độ trễ trong việc truyền dẫn tác động của chính sách lên nền kinh tế. Dù vậy, ECB dự kiến GDP vẫn sẽ tăng trưởng quanh mức trung bình nhiều năm kể từ năm 2025, đạt lần lượt 1.1%, 1.4% và 1.3% trong ba năm tới. Cơ sở cho quan điểm này là thu nhập thực tế tăng, chính sách bớt thắt chặt dần và đầu tư kinh doanh đáp ứng nhu cầu năng lực sản xuất lớn hơn trên toàn nền kinh tế do tăng trưởng liên tục.
Mặt khác, chính sách thương mại của Mỹ, tăng trưởng toàn cầu nói chung và các mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất Châu Âu là những rủi ro cho quan điểm này. ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2025, mặc dù dựa trên các dự báo hiện tại, mục tiêu có thể là mức trung lập chứ không phải là một chính sách mở rộng hoàn toàn.
Westpac IQ